NHỚ TRIỂN LÃM “MIỀN A SÁNG” ĐẦU TIÊN (10/2016)

[ Trích từ tập tản văn AN TRÚ TRONG YÊU THƯƠNG ]

Khi học đến hết kỳ một năm nhất của trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc Họa trung ương, tôi tình cờ quen biết một người đồng hương tên là Quảng, hay gọi là Quảng cận. Anh Quảng sinh ra và lớn lên ở Quảng Ninh, nhưng có bố là người Cao Bằng, thế nên chúng tôi nhận nhau là đồng hương. Quảng cận học trước tôi ba khóa, nghĩa là khi tôi vào trường thì Quảng cận đã ra trường. Thời đó, đám sinh viên như chúng tôi học hết cao đẳng vẫn tìm cách thi vào trường Đại học Mĩ thuật Hà Nội, dân trong nghề vẫn gọi là trường Yết Kiêu (vì trường đó nằm trên đường Yết Kiêu). Ngặt nỗi trường đó thi rất khó, mỗi khóa chỉ lấy tầm 12 người, tuyển chọn gắt gao, lại nhiều con nhà nòi, con ông cháu cha… Thế nên dân tỉnh lẻ, nhà quê như bọn tôi phải luyện thi tích cực, thường phải thi khoảng 3 năm mới đỗ.

Và Quảng cận là một trong những số sinh viên tốt nghiệp trường tôi vẫn ở lại kiên trì thi tiếp. Vì ở lại luyện thi nên đám sinh viên đàn anh này vẫn lang thang thuê nhà, ngoài giờ luyện thi, họ tìm cách kiếm tiền từ nghề vẽ: quảng cáo, trang trí, in ấn… cứ việc gì liên quan đến mĩ thuật thì họ làm. Thời đó, vẽ biển quảng cáo là thịnh hành, công nghệ in ấn chưa phát triển, vẫn phải nhờ vào tay vẽ trực tiếp như chúng tôi, gọi nôm na là đi làm thợ vẽ. Tôi may mắn quen được Quảng và một số anh em, thế nên mỗi khi có việc gì họ vẫn kéo chúng tôi đi làm. Vừa nâng cao tay nghề, vừa có chút tiền đút túi, sướng vô cùng!

Tôi đã đi theo các “sư phụ” này để kẻ vẽ, cắt dán, bưng bê, pha sơn… nói chung là làm mọi thứ. Thường thì sau vài tuần khi kết thúc công việc, họ sẽ nhận tiền với nhà thầu rồi chia nhau. Việc đi theo các anh ấy để trải nghiệm là vô cùng bổ ích. Cũng rủng rỉnh tiền bạc trong túi, mời bạn bè cốc cà phê, cốc bia hơi, thỉnh thoảng lại nhậu một bữa… hết sức thú vị.

Thế nhưng tôi vẫn thích sáng tác, tức là vẽ tranh, tôi cảm thấy khi tự mình ngồi vẽ tranh mới là sung sướng nhất. Tôi luôn tranh thủ những lúc rảnh rỗi, ngày cuối tuần, đạp xe rong ruổi ra ngoại thành vẽ phong cảnh, hoặc kí họa bằng bút chì. Tôi cứ vẽ thế rồi cất những bức họa đó vào một góc, coi như tài liệu. Cho đến hết năm thứ nhất thì tôi đã có một tá những bức kí họa màu, chì trong góc phòng.

Một hôm, anh Quảng bảo tôi: “Tao có thằng em bên trường Kiến trúc, nó cần một số bức tranh vẽ phong cảnh để nộp bài thi, thấy mày vẽ nhiều, tao bảo nó gặp mày nhé?”.

Thế là cậu sinh viên Kiến trúc tìm đến tôi, ban đầu tôi nghĩ trong bụng là để nó tham khảo, hoặc chép lại, chứ nhất định tôi không cho. Thế nhưng khi xem xong đống kí họa của tôi, cậu sinh viên Kiến trúc gãi tai rồi nói: “Bây giờ em không còn thời gian để chép lại, anh bán thì em mua vì ngày mai em phải nộp bài rồi…”. Tôi giãy nảy nói: “Nhưng nếu cậu đem những bức này về nộp thầy cậu sẽ biết là không phải cậu vẽ…”. Cậu sinh viên Kiến trúc lại gãi đầu nói: “Em bị lụt bài này, mải chơi quá không đủ bài vẽ, cứ lấy về rồi nộp chắc thầy không để ý đâu, vì em chỉ thiếu bài vẽ màu thôi…”. Thấy cậu ấy có vẻ thành thật, lại bị lụt bài nên tôi đồng ý, nhưng không biết bán thế nào, giá bao nhiêu, bán mấy bức?

Cậu sinh viên Kiến trúc lại gãi tai, chìa ra ba trăm ngàn, rồi nói: “Em chỉ còn ngần này, anh cầm giúp, em sẽ lấy khoảng 10 bức phong cảnh…”. Thôi thì đồng ý, tôi giúp cậu ấy chọn được 10 bức phong cảnh vẽ bằng bột màu. Xong xuôi đâu đó, cậu ấy còn rủ tôi ra ngoài quán cơm bụi đối diện trường An ninh ăn một bữa cơm có kèm bia hơi hẳn hoi.

Về đến kí túc xá, tôi cứ mân mê xấp tiền màu đỏ ối, tiền bán tranh bất đắc dĩ của tôi. Vừa mừng, vừa thương cậu kiến trúc sư tương lai. Cậu ấy sung sướng vì có bài để nộp, lại có vẻ mua được tranh rẻ tiền. Chắc là vì thế, cậu ấy mới mời tôi bữa nhậu vỉa hè mà chỉ có đám sinh viên con nhà có điều kiện mới như thế. Sau này hỏi ra mới biết, trường Kiến trúc đào tạo rất bài bản về hội họa, sinh viên bắt buộc phải có những giờ vẽ trực họa, đặc biệt là phong cảnh để cảm nhận về màu sắc, nhưng cậu sinh viên này đã bỏ những giờ vẽ ngoài trời, không có tranh để nộp, và nếu không có bài để nộp sẽ không đủ điều kiện để làm đồ án tiếp theo…

Đó là số tiền đầu tiên trong đời từ việc bán tranh. Tôi cứ bâng khuâng mãi, dù chỉ là bất đắc dĩ nhưng tôi vẫn yêu số tiền đó vô cùng! Bởi sau những ngày tháng vẽ vời, mê mải, chỉ để thỏa mãn niềm đam mê, đôi lúc coi đó là một mớ giấy lộn, để im lìm trong góc phòng và không bao giờ để ý đến nó nữa. Bỗng hôm nay giở ra, chọn lựa rồi được nhận tiền, lại còn được khao một bữa ăn kèm bia hơi, sướng gì bằng!

Chuyện này tôi vẫn giữ trong lòng như một kỷ niệm đẹp. Bởi lần đầu tiên tôi cầm một số tiền từ những bức vẽ còn non nớt, chỉ đơn giản là những bài học tự thân, một đam mê lành mạnh sau giờ học. Tôi không nhiều điều kiện để đi chơi, cũng không có họ hàng anh em ở Hà Nội, thay vì đi chơi thì tôi nằm đọc sách, hoặc lang thang đi trực họa ngoài trời. Vẽ cái gì đó mình thích, vẽ cái gì đó mình nhìn thấy, vẽ để hết thời gian chết, vẽ quên đi những buồn phiền… ấy vậy mà ra tiền – bằng cả một tháng học bổng, với 300 ngàn đó, tôi có thể ăn cơm bụi cả tháng.

Trước giờ mở cửa Triển lãm Miền A Sáng 1 (10/2016)

Sau này, khi đã tìm được phong cách, vào năm 2016, tôi tổ chức triển lãm đầu tiên mang tên: “MIỀN A SÁNG”, khi tôi đang treo tranh, để chuẩn bị khai mạc, một đôi vợ chồng người Mỹ đi ngang qua, tiện chân ghé vào. Người chồng ngắm từng bức rất kĩ lưỡng, người vợ bế theo đứa con chậm rãi theo sau, rồi họ dừng lại ở bức tôi vẽ một thiếu nữ người H’mông ngực trần, tóc đỏ…. Cô vợ nói gì đó với người chồng, rồi quyết định hỏi mua, tôi không biết tiếng Anh nên phải nhờ cô nhân viên ở triển lãm thông dịch. Tôi nói rằng, bức đó giá 1000 đô-la Mỹ. Họ bàn thảo gì đó với nhau một lát rồi nói: “Chúng tôi sẽ mua bức tranh này với giá 700 đô-la!”. Tôi làm ra vẻ nghĩ ngợi, nhưng thực lòng là mừng vô cùng! Vì trước đó có anh bạn cũng là họa sĩ của tôi nói rằng “Tây nó chỉ trả một nửa khi mình ra giá bán tranh”, tôi cứ nghĩ họ sẽ trả khoảng 500 đô-la, và tôi sẽ đồng ý bán với giá 600 đô-la. Nghe lời trả giá rất sớm với 700 đô-la cho bức tranh ấy – bức tranh đầu tiên được bán sau gần 20 năm ngụp lặn ở thành phố – bức tranh đầu tiên sau bao tháng ngày rong ruổi tìm kiếm cái “tôi” nghệ thuật của chính mình, tất nhiên tôi đã đồng ý.

Gia đình vị khách ngoại quốc bên bức tranh thiếu nữ người H’mông mà họ chọn mua

Tôi đã cảm ơn họ và nói rằng nếu ông bà chưa cần lấy tranh ngay hãy để tôi treo hết ngày khai mạc. Anh chồng người Mỹ với cái cổ rất cao, mái tóc màu hung cười thoải mái nói: “Ồ, yên tâm, chúng tôi sẽ lấy sau ba ngày nữa, còn bây giờ ông vui lòng nhận 200 đô-la coi như tiền đặt cọc!”. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời, tôi cầm hai tờ Mĩ kim màu xanh nhạt. Tôi không biết kể lại cảm giác đó một cách cụ thể như thế nào, nhưng rõ ràng nó nằm trong tay tôi một cách lạnh lùng, hơi gai gai, hơi sần sần, nó là giấy thường không giống với cảm giác cầm những đồng tiền po-li-me Việt Nam. Nó là tiền Mỹ – đô-la – USD… Cái cảm giác cầm tiền – lại là tiền bán tranh – rồi lại là tiền “đô” – từ tay một người Mỹ có cái cổ dài, mái tóc hung hung… thật sự sung sướng, thật sự mênh mang.

Không hiểu sao cái cảm giác sờ vào tiền mặt từ cái thời sinh viên xa xưa kia cứ hiện về, một tay tôi thọc vào trong túi, hai ngón trỏ cứ rê rê trên mép tờ tiền, đầu cứ nghĩ miên man về nó, thỉnh thoảng lại nghĩ nó sẽ biến mất trong túi mình. Tiền đó là của tôi, do tôi kiếm ra từ việc bán tranh, nó rất khác – khác vô cùng với những đồng tiền bình thường.

Cũng xin kể thêm rằng, trước khi mở triển lãm vào năm 2016, tôi đã là Giám đốc Truyền thông của công ty Emobi. Tôi đã đến đó để thành lập tờ báo Tuổi trẻ và Đời Sống – một thể loại báo thị trường được gọi nôm na là báo “lá cải”. Tờ báo đó bán rất chạy, lãi rất nhiều, và hàng năm tôi vẫn đều đặn nhận tiền cổ tức do Tổng giám đốc Vũ Song Toàn chia. Cứ vào cuối năm, tài khoản của tôi lại nổi lên số tiền lớn, tôi đã mua nhà, mua xe hơi, xây nhà ở quê cho mẹ… Tôi không dám nhận mình giàu, nhưng tôi không hề thiếu tiền. Nói cách khác, mùi tiền bạc tôi cũng đã trải nghiệm, cũng có lúc tôi choáng váng vì tôi nghĩ mình đi làm thuê, kiếm chút tiền nuôi bản thân, gia đình, và không bao giờ nghĩ mình sẽ có tiền lớn trong tài khoản, sở hữu nhà cửa, xe hơi, tận hưởng những chuyến du lịch tận trời Tây… Nghĩa là với tôi khi đó, tiền bạc không phải là vấn đề quá quan trọng, 700 đô-la không nhiều nhặn gì nhưng số tiền đó có một lí do hoàn toàn khác để tôi xúc động, có nhiều ý nghĩa để tôi thò hai ngón tay rê rê trên mép tờ tiền và nó phải nằm gọn trong túi của tôi!

Cuộc đời luôn có lối đi riêng mà bản thân mình không bao giờ biết được. Tôi đã đi học vẽ với giấc mơ để trở thành một họa sĩ, hay một cái gì đó tương tự, miễn là kiếm sống được với nghề hội họa. Nhưng không hiểu sao, với một số cơ duyên, với ơn huệ của cuộc đời, với phúc phần tốt đẹp của tổ tiên, tôi đã “rẽ ngang” sang nghề viết lách, đặc biệt là làm báo – tôi có thể tự hào nói ra mà không hề cảm thấy mình thiếu khiêm tốn rằng, tôi là nhà báo chuyên nghiệp, kiếm tiền trong sạch bằng việc tổ chức nhiều tờ báo thị trường. Nghề “tay trái” này đã đem lại cho tôi rất nhiều thứ, đặc biệt là tiền bạc! Sau gần 20 năm lăn lộn, tôi đã có đủ cho mình những thứ cơ bản nhất của một người đàn ông trung niên, sống khá thoải mái và đàng hoàng về vật chất ở Hà Nội.

Thế nhưng số tiền ba trăm ngàn đồng bán kí họa thời sinh viên và số tiền bảy trăm đô-la Mỹ bán bức tranh đầu tiên trong triển lãm cá nhân đầu tiên lại trở nên vô cùng quan trọng với cuộc đời tôi. Chúng cách nhau những 20 năm, chúng cũng khác xa nhau về mệnh giá, nhưng giá trị lại hoàn toàn như nhau vì có từ tranh tôi vẽ!

Là nhà báo, nếu bạn viết ra những bài báo không ai đọc (như một số tờ báo vẫn mang danh là “lớn” như hiện nay), với tôi, bạn không phải nhà báo. Hoặc ai đó vẫn tự xưng mình là những người làm báo quan trọng, ở những tờ báo quan trọng, nhưng nếu tờ báo đó không được độc giả bình thường bỏ tiền túi – tiền mồ hôi nước mắt của họ ra mua – thì tất cả chỉ là mớ giấy có in chữ – làm phung phí tiền bạc của con người!

Một vài bức tranh của A Sáng trong triển lãm năm 2016

Với họa sĩ cũng vậy, hoặc nói rộng ra với những người làm nghề, nếu sản phẩm của bạn không được người đời đón nhận thì chỉ là danh hão hoặc lừa đảo từ cấp thấp đến cấp cao. Tranh của tôi bán được, dù bắt đầu từ những kí họa non nớt và một cách tình cờ, tôi vẫn xúc động, trân trọng nó, coi đó như một may mắn, cũng thầm tự hào rằng, ít nhất sản phẩm của mình có một người cần tới.

Tôi đã lao động, nghiêm túc lao động, sợ hãi lao động, tuyệt vọng lao động… đôi khi nghĩ rằng mình sẽ vĩnh viễn rời xa cây cọ và màu sắc. Chỉ cần một ý nghĩ tiêu cực lóe lên trong đầu cũng đủ để chính mình đau khổ, coi thường bản thân, thấy mình bất tài… Tôi cũng đã từng vứt đi không biết bao nhiêu bức tranh mình vẽ ra, nhiều đêm tôi ngồi trước chúng mà thực sự không dám đối diện, bởi chúng không phải tôi và tôi không đủ sức để tạo ra chúng… Tôi đã điên cuồng với chúng quá nhiều năm, dùng hết tuổi thanh xuân của mình để buồn – vui – sướng – khổ cùng chúng! Vậy mà chúng không gọi tên tôi, chúng vẫn ở đâu đó, ẩn hiện, trêu ngươi, thách thức. Tôi đã khóc! Cười! Hận! Và tôi đã vứt chúng đi, xé toạc những bức tranh còn ướt, hoặc vùi mình vào rượu chè, những cuộc chơi bời để khỏa lấp nỗi thất vọng sâu thẳm đó…

Và tôi đã đi một con đường từ núi xuống phố dài dằng dặc gần 20 năm, nếm đủ mọi cay đắng đến ngọt ngào với Hà Nội, đến tận hôm nay, lúc này, cái thời điểm ông người Mỹ ấy rút từ trong ví ra hai tờ đô-la màu xanh nhạt, tôi đã gần như ứa nước mắt! Tôi không run rẩy trước giá trị của nó, vì tài khoản của tôi còn có hơn thế nhiều lần. Nhưng bây giờ, nó là khoảnh khắc vô cùng đặc biệt của tôi, vì lần này họ mua tranh tôi, chắc chắn rằng nghệ thuật của tôi đã “chạm” vào tâm hồn họ, không thể dễ dàng để người phương Tây bỏ tiền ra mua một thứ mà họ cảm thấy không cần. Bởi tôi đâu có phải họa sĩ nổi tiếng mà sưu tập kiểu đầu tư!? Tôi chỉ là họa sĩ mới bắt đầu với ngôn ngữ riêng của mình. Và họ cũng chẳng quen biết tôi mà mua như một cách động viên thường thấy. Bức tranh vừa treo, nóng hổi trên tường, lại là triển lãm cá nhân đầu tiên – sự trình làng một phong cách nghệ thuật mà bản thân tôi tự tin rằng mình đã chạm tới thẳm sâu tâm hồn của người xem.

Xin quỳ xuống cảm tạ mặt đất – mảnh đất Hà Nội! Cũng xin quỳ xuống để cảm tạ bầu trời – bầu trời của Hà Nội! Cuối cùng, sau quá nhiều năm tháng không bỏ cuộc, tôi đã có triển lãm đầu tiên – bán được bức tranh đầu tiên và nhiều bức nữa. Như vậy, với cá nhân tôi, đó là sự công nhận của người đời, cũng có nghĩa những bức tranh đã mỉm cười với tôi, đến với tôi, vỗ vai một người Tày ở Hà Nội và cùng bước!

A Sáng

 

Xem trang giới thiệu tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng tại Nguyen Art Gallery trong link:
hoặc
* CÁC BỨC TRANH CỦA HOÀNG A SÁNG ĐỀU LÀ:

Bản gốc, duy nhất/ Original, one-of-a-kind artwork
Chất liệu/ Materials: Sơn dầu trên toan/ Oil on canvas

* LIÊN HỆ VỚI TÁC GIẢ:

Tác giả/ Painter: A Sáng
www.asangart.com
https://www.facebook.com/hoang.asang.3
https://www.facebook.com/asangzenpainting
Email: asangart.com@gmail.com

* ĐỊA CHỈ XƯỞNG:

Tòa nhà HUD3 Tower, 121-123 Tô Hiệu, Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội

 

BÁO CHÍ VIẾT VỀ MIỀN A SÁNG 1:

>> Báo Tuổi trẻ: Miền tâm hồn của Hoàng A Sáng

>> Báo Tiền Phong: Tĩnh lặng ‘Miền A Sáng’

>> Báo Thể thao và Văn hóa: Sửng sốt trước ‘Miền tĩnh lặng’ của họa sỹ Hoàng A Sáng

>> Việt Nam Mới: Hai cực đối nghịch của ‘Miền A Sáng’

>> VnMedia: Có một cõi riêng A Sáng!

>> Báo Công an Nhân dân: Lạc giữa “miền A Sáng

>> Cafe Sáng VTV3