Vẻ đẹp kỳ ảo nhà sàn trong tranh Hoàng A Sáng

 

Nhà sàn là hình ảnh đặc thù và là nét đẹp truyền thống ở những vùng cao nước ta. Đặc biệt tại miền núi biên cương phía Bắc, những ngôi nhà sàn của các dân tộc thiểu số Tày, Mông, Thái, Dao… còn mang sắc thái riêng gắn liền với môi trường sống. Là người sinh trưởng ở đất này, họa sĩ Hoàng A Sáng đã thể hiện, lưu giữ thật sinh động hình ảnh những ngôi nhà sàn lẫn thiên nhiên Đông Bắc.

Hoàng A Sáng là người dân tộc Tày, sinh năm 1976 ở bản Pác Thay, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Vùng đất cổ Trùng Khánh gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, từ các thời nhà Lý, Trần, Lê, Nguyễn… đã nối nhau cai quản, trong đó có 2 danh thắng là thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao, cùng với nhiều phong cảnh quyến rũ khác như núi chùa Phật Tích Trúc Lâm, Thủng Nặm Chá, cánh đồng Phong Nặm…

May mắn thừa hưởng linh khí và vẻ đẹp quê hương miền biên cương, họa sĩ Hoàng A Sáng đã mang cảm thức đầy tự hào ấy vào tranh của mình theo phong cách riêng. “Miền A Sáng” là tên của 2 cuộc triển lãm tranh nổi tiếng của anh ở Hà Nội năm 2016 và 2019. Dự kiến, “Miền A Sáng 3” sẽ được mở cửa, tiếp tục mang tới cho người thưởng lãm nhiều bất ngờ thú vị mới.

Thế giới hội họa của Hoàng A Sáng thật phong phú, đa dạng và ngày càng hướng về thiền. Có nhiều cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau về tranh của họa sĩ quê Trùng Khánh. Riêng tôi, ấn tượng nhất là hình ảnh những ngôi nhà sàn với những bối cảnh khác nhau, không gian khác nhau, nhưng đều toát lên vẻ đẹp bí ẩn từ vùng biên giới Đông Bắc. Những ngôi nhà biết kể chuyện. Những ngôi nhà lưu giữ ký ức diệu vợi xưa nay của các thế hệ người Tày biết nương tựa vào núi rừng để mưu sinh và làm lá chắn an toàn bảo vệ Tổ quốc.

 

 

Không giống như ngôi nhà trệt của người Kinh hay nhà sàn truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Tây nguyên, nhà sàn người Tày ở phía Bắc chỉ có khoảng sân phơi mà không có mái hiên hoặc mái hiên rất nhỏ. Mọi sinh hoạt bình thường đều ở trong nhà. Chỉ khi có trường hợp đặc biệt thì mới dùng tới sân. Tuy nhiên quang cảnh xung quanh ngôi nhà sàn, nhất là những ngôi nhà đơn độc trên đồi núi lại mang một hình thái đặc biệt. Và đó là nguồn cảm hứng bất tận cho thế giới sắc màu của Hoàng A Sáng.

Vẽ rất nhiều hình ảnh nhà sàn nhưng mỗi bức tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng là một câu chuyện. Và tùy khả năng thưởng ngoạn của người xem, từng bức tranh, từng ngôi nhà còn có sức gợi mở, liên tưởng tới những câu chuyện quyến rũ khác. Khi đó họa sĩ chỉ còn như người khởi xướng, còn người xem trở thành đồng hành sáng tạo. Có ngôi nhà cận cảnh nhìn rõ từng mái ngói, khung cửa, cầu thang với chung quanh là nọc rơm và cây cảnh. Có ngôi nhà phía dưới sàn là những con thú nuôi trâu bò ngựa đang ung dung tự tại, còn trên nhà là đôi lứa đang nồng nàn hôn nhau. Có ngôi nhà lưng tựa vào núi, phía trước rực rỡ hoa cải hay tam giác mạch. Có ngôi nhà nằm chon von trên ngọn đồi hay bao bọc bởi ruộng bậc thang đang mùa lúa chín vàng. Có ngôi nhà cạnh dòng sông với chiếc xuồng cắm sào chờ đợi, hay yên tĩnh dưới ánh trăng tròn vằng vặc tỏa sáng núi rừng… Những ngôi nhà vừa hiện hữu vừa được dựng từ tiềm thức mang những sắc màu, ý nghĩa nhân văn, sinh thái khác nhau.

 

Nhà văn Đỗ Bích Thúy, người cũng xuất thân từ vùng cao phía Bắc và là bạn thân của họa sĩ Hoàng A Sáng, nhận xét tinh tế: “Tôi thường thấy các họa sĩ có những bức chân dung tự họa, Hoàng A Sáng chưa cho tôi xem bức tự họa nào. Nhưng tôi thấy, cách các họa sĩ tự họa chân dung mình chính xác nhất, không phải là bức họa cụ thể mà chính là cả sự nghiệp của họ. Ngắm một bức tranh, người xem có thể gọi tên họa sĩ, đấy chính là cách khắc họa chân dung xuất sắc nhất trong sự nghiệp đắm chìm vào màu sắc, đường nét, hình khối. Chân dung Hoàng A Sáng nằm ở các bức tranh của anh”.

Đúng vậy, chân dung của họa sĩ Hoàng A Sáng nằm trong chính những bức tranh mang tinh thần núi rừng biên cương quê hương anh. Trong đó, những ngôi nhà sàn là phần quan trọng tạo nên chân dung khác biệt của Hoàng A Sáng trong nền mỹ thuật Việt Nam đương đại. Những ngôi nhà sinh động ấy sẽ mãi mãi cất tiếng nói riêng mình, với những câu chuyện không bao giờ dứt ở vùng địa linh mà bất cứ người Việt Nam nào cũng ước mơ một lần đặt chân đến.

 

 

Hoàng A Sáng đang vững vàng trên con đường sáng tạo mỹ thuật mình đã chọn. Nhờ thiền, nét cọ của anh trở nên biến ảo hơn trong tĩnh lặng. Tranh của anh nằm trong nhiều bộ sưu tập ở trong và ngoài nước. “Miền A Sáng” lần lượt mở ra những không gian sắc màu kỳ thú khác biệt, trong đó điểm nhấn chủ đạo là những ngôi nhà biết kể chuyện về đời sống bí ẩn vùng biên cương, sẽ tiếp tục chinh phục người yêu hội họa.

PHAN HOÀNG

Nguồn: https://dttc.sggp.org.vn/ve-dep-ky-ao-nha-san-trong-tranh-hoang-a-sang-post102090.html