Thiền là thế nào?
Có người hỏi: tôi thấy ông thiền, vẽ về thiền, thích thiền… sao tôi vẫn thấy ông thỉnh thoảng uống rượu, hút thuốc, rồi lâu lâu vẫn thấy nói bậy…?
Mình nói: ờ thì tớ đâu định trở thành nhà sư. Các cụ mình vẫn có câu: tu khó nhất là tu ở nhà cái từ tu tức là học, nghiệm là sửa mình… và cũng hàm ý là tu ở nhà khó nhất thì phải.
Nhưng rõ ràng, tu không phải nhất thiết phải lên chùa, vả lại Thiền là chìa khóa cơ bản để tu. Hơn nữa Thiền là ra đời trước cả khi Đức Phật được sinh ra, nghĩa là thiền không phải duy nhất của Phật giáo… đại loại thế
Lâu nay chúng ta có vẻ như bị hiểu lầm về thiền, hoặc quá cứng nhắc mỗi khi nghĩ đến nó, rằng đã thiền thì phải ngồi kết – già, rằng đã thiền thì phải kiêng hết thứ này đến thứ kia, rằng đã thiền thì phải sống gần như một ông sư…
Mình nghĩ chả đúng, mình đã trải nghiệm hơn 4 năm thiền, mình bỗng phát hiện ra nhiều thứ rất hay ho và phù hợp với bản thân mình. Không cần thiết phải ăn chay, kiêng hết mọi thứ thuộc về chất kích thích, cũng chẳng phải mỗi khi thiền thì phải ngồi kết – già…
Mình đã tìm ra cho bản thân một cách thiền của chính mình và thấy nó hiệu quả.
Hiệu quả là gì?
Bớt nóng nảy, biết suy nghĩ chín chắn, quan sát chính bản thân mình và sự vật một cách thấu đáo đa chiều và hài hòa.
Sức khỏe tốt hơn, giấc ngủ sâu hơn, xử lý công việc một cách tốt hơn, ứng xử với gia đình, đồng nghiệp, bạn bè… hài hòa hơn…
Về cơ bản thấy thật sự thoải mái hơn rất nhiều.
Như vậy mình thấy rõ việc thiền của mình là hiệu quả đối với bản thân, nhưng không nhất thiết mình phải “tách rời” đời sống bình thường.
“Pháp” Thiền của mỗi cá nhân…
Trước đây, khi chưa thực tập thiền, mình đã đọc rất nhiều sách về tâm linh, mình đặc biệt thích Osho và Thích Nhất Hạnh… việc đọc sách khiến cho mình nghĩ rằng đã hiểu về Thiền, và tự mình thực hiện…
Tuy nhiên, mọi chuyện lại không như mình nghĩ, việc ngồi kết – già, hít thở, quán tưởng… theo lý thuyết khiến cho việc thiền của mình chả đi đến đâu. Việc chống lại cơ thể một cách cưỡng bức là nguyên nhân cơ bản khiến mình thất bại…
Nhiều năm sau, do một cơ duyên (trầm cảm nặng) mình được một người bạn rủ đến lớp học Thiền Trường Sinh Học của thầy Dieu NguyenXuan. Đây là lần đầu tiên mình ngồi thiền tập thể dưới sự hướng dẫn của Thầy… Và một sự thay đổi bắt đầu xảy ra. Mình mất ngủ hai đêm đầu tiên, rồi ngay sau đó ngủ tít mít cả tuần liền.
Những giấc ngủ sâu này vô cùng quan trọng, nó đã khiến những dây thần kinh căng như dây đàn (quá phím) của mình trở về trạng thái hài hòa. Khi dây thần kinh về đúng “cữ” nghĩa là tiếng đàn của cuộc sống mới trở về đúng với âm thanh của nó.
Mình bắt đầu cảm nhận rõ hơi thở, các luồng khí và cơ thể vật lý của mình một cách rõ ràng…
Và một cách tự nhiên, mình không cứng nhắc chống lại cơ thể mình như lý thuyết nữa. Mình thiền kiểu buông thư: nằm, ngồi, bước… tùy thích, chỉ cần chú ý đến hơi thở, hít vào từ từ, thở ra từ từ, hít vào là nhận biết, thở ra là nhận biết… Vì thế mình có thể thiền bất cứ lúc nào, ở đâu. Mỗi khi công việc quá căng thẳng mình lại “buông thư” dựa lưng vào ghế, ngồi một cách thẳng cẳng, nhắm mắt, hít vào từ từ, thở ra từ từ, hít vào thư giãn, thở ra cũng vô cùng thư giãn… Chỉ sau vài phút như vậy mọi căng thẳng bắt đầu dịu đi.
Cũng bắt đầu từ đó mình phát hiện ra cách “thiền” trong khi vẽ tranh – đây là kiểu thiền tập trung toàn bộ – năng lượng đó cuốn mình đi với một sự nhẹ nhàng tuyệt đẹp. Ai là họa sỹ cũng sẽ cảm nhận rõ cái thời gian vẽ này. Hay còn gọi là “bị mê” – lúc này họa sỹ không còn chủ động nữa mà bị những mảng miếng, đường nét, màu sắc, đậm nhạt… trong bức tranh cuốn đi hoàn toàn… vì thế anh ta gần như không còn tâm trí, thời gian, không gian vật lý bị loại bỏ… Thế nên, đôi lúc vẽ từ nửa đêm đến sáng bạch lúc nào không biết. Dù thức cả đêm nhưng khi kết thúc nguồn năng lượng không bị bào mòn, thậm chí còn cảm thấy vô cùng khoan khoái.
Tại sao vậy: đơn giản là theo lý thuyết bình thông nhau, năng lượng của vũ trụ đi qua cơ thể mình và chuyển hóa thành bức tranh. Lúc này mình chỉ là người chuyển tiếp, mã hóa, và bảo toàn năng lượng… thế nên không hề bị mệt…
Bây giờ thì mình tin nghệ sỹ không hề “sáng tạo” ra bất cứ cái gì, việc anh ta là dọn dẹp tâm thức mình để chờ đón một năng lượng nào đó đi qua mình để chuyển hóa thành nghệ thuật. Cái tôi của nghệ sỹ càng ít thì nghệ thuật càng lớn, càng trong trẻo, duyên dáng, đầy năng lượng yêu thương, cái tôi càng cao thì nghệ thuật chỉ là lý trí khô cứng, y chang những lý thuyết đã viết trong sách vở….
(Hôm nào rảnh lại kể tiếp)
31/10/2017
A Sáng