“Giả thử một ngày nào đó con người phải quyết định một danh sách các thứ tối cần thiết để mang theo khi loài người chạy trốn đến một hành tinh khác, thì có lẽ trong danh sách đó sẽ có một “người kể chuyện” (storyteller). Nghe kể chuyện có khi là một trong các nhu cầu cơ bản của con người cũng nên…
Thử hình dung, xa xưa lắm lắm, hoàn thành xong các công việc săn bắt hái lượm của một ngày, khi bóng đêm buông xuống, tổ tiên chúng ta lại tụ tập trong hang, quanh đống lửa, và trong đám đông đó thể nào cũng có kiểu người thích nghe kể chuyện (như mình, và rất nhiều người khác), và người giỏi kể chuyện (như A Sáng, và không nhiều người khác).
“Nghe” A Sáng kể chuyện đến tận cuốn tự truyện này rồi, mình nghĩ A Sáng chính là một trong những “người kể chuyện” đó. Với mình, điều cuốn hút nhất chính là: khi kể chuyện, A Sáng luôn bốc phét một cách thành thực! Nghe đơn giản vậy, chứ mình nghĩ phần lớn những người đi kể chuyện chỉ được một vế thôi. Được cả hai, hơi hiếm đấy!
Nghiêm túc một chút, thành phố theo nghĩa rộng, và Hà Nội, quả thực đã “chọn” và “mỉm cười” với A Sáng. Nhưng cái “nguồn năng lượng bí ẩn” mà A Sáng nhận ra và nhận được từ thành phố ấy không tự nhiên sinh ra mà cũng không tự nhiên mất đi. Chính những con người “chọn” Hà Nội như A Sáng đã góp phần tạo ra và duy trì nguồn năng lượng đó. Cái thành phố này sống được là nhờ những con người như vậy.”
* Nguyễn Thị Diệu Linh (Tiến sĩ Văn học, giảng viên khoa Ngữ Văn – Đại học Sư phạm Hà Nội)