NGƯỜI “AN TRÚ TRONG YÊU THƯƠNG”

“Ký ức, tuổi thơ, ước mơ, vẽ, làm báo, người truyền cảm hứng, gia đình, sống sót qua những thử thách khắc nghiệt, thiền…” – Có thể phác ra vài nét như thế để hình dung đôi chút về cuốn tự truyện “An trú trong yêu thương” của A Sáng – trai bản người Tày từ xứ núi miền phên giậu Đông Bắc Việt Nam tới và “ẩn trú trong lòng Hà Nội”, với tư cách một nhà văn, nhà báo, họa sĩ – “sứ giả của văn hóa dân tộc” mình.

1. Bước chân xuống núi “đạp bằng đá sắc”

Sinh năm 1976, lớn lên ở Pác Thay – một bản người Tày nho nhỏ dựa vào núi xanh bên dòng Quây Sơn tĩnh lặng, những đồi thông, rừng dẻ già của xứ Trùng Khánh, đất phên giậu miền biên ải Cao Bằng xa xôi, cậu bé sơn cước thuần nông Hoàng Văn Sáng đã tự đặt cho mình cái tên A Sáng và bước chân xuống núi, bắt đầu những tháng ngày vật vã trưởng thành với giấc mơ làm nghệ thuật – hoàn toàn lạ lẫm trong con mắt của dòng tộc và cực kì lộng lẫy trong tưởng tượng của cậu trai mới lớn.

Từng bước, từng bước một, A Sáng đi trên mảnh đất đồng bằng mà như phải “đạp bằng đá sắc” (lời thơ Y Phương), có lúc đau đớn trên hành trình mưu sinh chẳng chút nhẹ nhàng, có khi tuyệt vọng với giấc mơ đẹp đẽ… A Sáng đã bất ngờ phát hiện ra một năng lực khác của mình, rẽ hướng sang báo chí và có được những thành công nhất định. Cho tới thời điểm báo giấy bị thế chỗ một cách khốc liệt bởi báo điện tử và mạng xã hội, A Sáng, với vai trò là Giám đốc truyền thông hàng chục năm qua, vẫn cùng các đồng nghiệp duy trì được một trong những tờ báo giấy bán chạy nhất Việt Nam. Trong gần 20 năm xuôi ngược, anh cũng xuất bản được những tiểu thuyết, truyện dài, tản văn, truyện ngắn… đặc sắc.

Dẫu thân có bị cuốn đi nhiều ngả, tình yêu và giấc mơ nghệ thuật trong tâm A Sáng chưa bao giờ tàn lụi. Ngày làm báo, đêm lại giở đồ vẽ ra. Tìm tòi. Vẽ. Vứt. Tìm tòi. Vẽ. Vứt. Tìm tòi… 5 năm. 10 năm. 15 năm… Những đứa trẻ. Thiếu nữ. Hoa. Tĩnh vật. Cha con. Mẹ con. Gia đình. Sen. Lá sen. Búp sen. Gương mặt người ngủ trong sen. Phật. Thiền… Và rồi cũng tới ngày anh không còn phải vứt tranh của chính mình đi nữa.

Cũng tới ngày anh có thể thốt lên: “Ô, mình đây rồi!!!”. Đó chính là món quà tưởng thưởng cho ngọn lửa kiên trì trong anh. Trải nghiệm này là bài học lớn mà A Sáng truyền cho hai cô con gái cũng đang dần tới tuổi xuống núi của bố ngày nào: “Phải tìm bằng được giấc mơ của mình. Khi tìm được rồi, hãy bền bỉ sống chết với nó. Có mệt mỏi, nản lòng, con cứ khóc, khóc xong đừng dừng lại, lau nước mắt bước tiếp. Như vậy, con sẽ trở thành người thợ bổ được nhát cuốc cuối cùng mở ra mỏ kim cương!”.

“Mỏ kim cương” kia với mỗi người sẽ mang một ý nghĩa khác nhau. “Mỏ kim cương” của người họa sĩ này chính là những khoảnh khắc hạnh phúc thăng hoa cùng những nét cọ, với sắc màu. Anh tâm sự, chẳng gì có thể mang lại hạnh phúc toàn vẹn cho anh hơn những khoảnh khắc sáng tạo. Góp nhặt từ đây, anh đã tổ chức được 2 cuộc triển lãm cá nhân ấn tượng: “Miền A Sáng 1” (2016) và “Miền A Sáng 2” (2019), giới thiệu tác phẩm của mình với công chúng yêu tranh và các nhà sưu tập nghệ thuật một cách “trọn vẹn và ngập tràn một tinh thần mới…” (chữ dùng của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều).

2. “Trưởng bản” và cuốn tự truyện của những ân tình

Giờ đây, sau nhiều chục năm lăn lộn phố phường, khẳng định bản thân, đã đến lúc A Sáng dành cho mình một khoảng lặng quý giá để mang mình trải vào giấc mơ chữ nghĩa. Vẫn vẽ mỗi ngày, trong thời gian giãn cách xã hội của đại dịch COVID, A Sáng lại bắt tay vào viết. Lịch sinh hoạt của anh thay đổi một cách ngoạn mục.

Từ chỗ thức đêm, ngủ ngày, anh cố gắng ngủ sớm hơn, dậy thật sớm, cà phê một mình bên bàn ăn trong bếp, và say sưa viết. Sáng nào cũng vậy, đắm mình trong miền ký ức rồi bày lên thành con chữ. Chiều lại lên xưởng với cọ vẽ, màu dầu và toan. Cho tới hết thời gian giãn cách, anh đã hoàn thành cuốn tự truyện gần 7 vạn từ. A Sáng là thế, quyết là làm, thẳng như ruột ngựa, lao động cần cù, kiên trì đến kỳ cục và tập trung đến quên tiệt xung quanh.

Ai thân quen với A Sáng đều ấn tượng về cá tính phóng khoáng, lối kể chuyện tếu táo và duyên dáng, đến… nói bậy cũng có duyên, thế mới lạ! Cứ ở đâu thỉnh thoảng lại dào lên một trận cười cực kì sảng khoái, là y như rằng “thủ phạm” chính tên A Sáng. Tự nhận mình là “trưởng bản” (bản nào không cần biết), A Sáng nhớ tường tận những câu chuyện xưa cũ kĩ, nhớ đến từng mùi vị, từng âm thanh, từng cảm giác… Thuở bé, cũng chính nhờ cái duyên và trí nhớ tuyệt vời ấy mà “Sáng bếu” thường xuyên được bạn bè “cung phụng”, chăn bò hộ, để chỉ việc ngồi đó kể chuyện cho cả lũ vây quanh nghe…

Nếu như từ quê hương, bà bá, mẹ và chị gái là những người đã có ảnh hưởng vô cùng quan trọng tới A Sáng thuở thiếu thời, thì ở đất Thủ đô, cùng với họa sĩ Thành Chương, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là những người truyền cảm hứng và dành mối quan tâm đặc biệt cho hành trình sáng tác của A Sáng. Tất cả hành trình lột xác ấy cùng các nhân vật không thể thay thế xuất hiện như những chân dung hết sức sinh động trong cuốn tự truyện của anh.

Viết xong, A Sáng lại cặm cụi vẽ đủ 26 bức minh họa cho từng câu chuyện một. Vẽ chân dung bằng chữ, rồi lại vẽ bằng đường nét đen trắng mà vẫn bay, vẫn khí phách… Nhà văn Đỗ Bích Thúy khi đọc tác phẩm của A Sáng đã chia sẻ: “A Sáng là một người viết có duyên.

Văn chương, có người thích cầu kì, trau chuốt kĩ lưỡng, có người thích làm mới chữ, có người lại thích điệu đà, nhưng người viết có duyên không nhiều. Cái duyên của người viết thường tự nhiên. Duyên nằm ở chữ, ở giọng điệu, ở hơi văn. A Sáng có những năm tháng tuổi trẻ đầy ắp những chuyện hay ho – thứ chất liệu vô cùng cần thiết đối với một người viết; có một kí ức đẹp đẽ về quê hương, gia đình, người thân thấm đẫm văn hoá bản địa. Sáng lại là người có khả năng thích nghi, và đặc biệt là có ý chí. Ý chí khiến Sáng luôn quẫy đạp cựa quậy như một con gà con tự cựa quậy để đạp cho cái vỏ trứng nứt toác ra.

Sau hai thập kỉ rời khỏi bản Pác Thay, giờ là lúc Sáng nhìn lại và chọn thái độ “an trú” trong hiện tại. Với một nghệ sĩ tỉnh lẻ nhập cư Hà Nội, tôi nghĩ, thái độ sống ấy thực sự đáng trân quý. An trú, yêu thương, điềm tĩnh sẽ tạo ra nền tảng cảm xúc cần thiết để cho dù sống ở bất kì đâu cũng vẫn y nguyên là mình trong lao động sáng tạo”.

Cho tới lúc này, đâu đó trong con mắt của nhiều người, A Sáng đã được định vị như là một “sứ giả văn hóa Tày”, người “vẽ những giấc mơ”, người làm ra “miền tĩnh lặng”… Tranh của anh đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới và trong rất nhiều ngôi nhà Việt. Nhìn tranh, nhìn những chuyển động sắc màu êm dịu phiêu bồng và tỏa sáng năng lượng bình yên là người ta nhận ra anh. Thế nhưng cái gã đàn ông Tày chân chất, mộc mạc đến buồn cười ấy chưa bao giờ gắn mình vào bất cứ danh xưng hay câu nệ về sự định vị nào.

Trong tranh của anh, cũng như trong những bài tản văn bình dị, một vị sư đã viết: “Tôi nhận thấy sự tĩnh lặng, buông thư, sâu lắng và “thiền vị”, lại có tính chất bản địa quê hương của tác giả… Nghệ sĩ đã nói về “Thiền” như một yếu tố trọng đại trong nghệ thuật và hơn nữa là nghệ thuật của sự sống…”.

A Sáng đang viết và vẽ từng ngày, để sống và chiêm nghiệm mọi thứ, nói như nhà văn Sương Nguyệt Minh: “An trú trong yêu thương” tái hiện hành trình từ một chú bé chăn bò sống trong căn nhà đá hộc bản Pác Thay, xuống chợ phiên, lên thị xã miền núi, bước xa hơn chạm vào ánh sáng kinh thành, rồi kiễng chân hái những vì tinh tú. Bằng tâm hồn người Tày bản Pác Thay, A Sáng vượt qua bản năng hoang dã, đến dòng sông trí tuệ ngụp lặn, rồi nhìn đời, nhìn người, nhìn văn chương – nghệ thuật”.

Trần Hoàng Thiên Kim

Nguồn: Báo Công an Nhân dân