Một bài viết của vị sư mới 25 tuổi người Thái Lan đang tu tập tại Làng Mai Thái, người thông thạo 7 thứ tiếng. Không khỏi cảm thấy kinh ngạc về kĩ năng viết tiếng Việt của thầy và sự thấu hiểu họa sĩ người Tày thể hiện qua tiếng Việt – hoàn toàn là ngoại ngữ của vị sư trẻ tuổi ấy.
“Nằm ngoài nhu cầu ăn uống và sống sót, Nghệ thuật là một sự khám phá vẻ đẹp hoặc huyền bí trong cuộc đời mà có vẻ rất thường này. Thật ra điều đó có thể có sẵn nấp đâu đấy trong tất cả chúng ta.
Hôm nay bắt gặp hội họa của nghệ sĩ đồng bào Pi noọng Cần Tày từ tỉnh Cao Bằng. Thấy được sự tĩnh lặng, buông thư, sâu lắng và “thiền vị”, lại có tính chất bản địa quê hương của tác giả. Ta có thể thấy tính chất Đạo Phật rất nhiều trong bức tranh, tuy người Tày xứ ấy vốn không hề theo đạo Phật lâu đời như Thái Lan hay Lào. Nghệ sĩ đã nói về THIỀN như một yếu tố trọng đại trong nghệ thuật và hơn nữa là nghệ thuật của sự sống – nghệ thuật tu luyện tự thân.
Quán chiếu sâu, ta thấy nhu cầu ngừng yên, tĩnh lại để nhìn rõ mà hiểu thấu con người mình và chạm được gốc rễ của mình và đưa tới sự thuận hòa với con người xung quanh… đây cũng là một nhu cầu rất cần thiết của con người (bất cứ là ai hoặc ở đâu)… để sống bình yên, có hiểu có thương và có tự do. Phải chăng chính nhu cầu ấy đã đưa đẩy một con người trở thành một vị “Phật” (bậc tỉnh thức)? Ta đang nói về tính chất nội tâm của tự nhiên con người, chứ không phải nói về tôn giáo.
“Như Lai sẽ sinh hay không sinh thì bản chất tự nhiên vốn sẵn có như vậy”…
Nghệ thuật cũng là một cách thể hiện thế giới nội tâm. Phải chăng đây đã tượng trưng cho một phần nào của “Phật tính” vốn ẩn nấp đâu đó trong lòng chúng ta, và chờ đợi ta trở về và thừa hưởng từ …”cái đó”…”
- Chân Trời Hiện Pháp (Sãi Bản Mường)