NĂNG LƯỢNG CỦA HỌA SỸ THÀNH CHƯƠNG!

(Bài viết nhân dịp kỷ nệm 70 năm thành lập Tuần báo Văn nghệ – HNV Việt Nam)

Đối với thế hệ con cháu như chúng tôi, thật không dễ để nói về những đóng góp của họa sĩ Thành Chương cho hội họa Việt Nam, hoặc với riêng Tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) – nơi mà ông coi như “cốt nhục” của mình.

Chúng tôi luôn ngưỡng mộ, kính trọng và thán phục sức lao động, sự kiên nhẫn, lòng chân thành, khả năng sáng tạo bền bỉ của họa sĩ Thành Chương. Vì thế, mỗi lần gặp ông, cá nhân tôi luôn cảm nhận được một nguồn “năng lượng” của say đắm, yêu thương, và gần như không có sự đứt đoạn!

Năm 2002, tôi từ miền núi xuống nhận công tác tại Tuần báo Văn nghệ – một cảm giác vô cùng hồi hộp, lo âu, đôi khi sợ hãi… Bởi ở đó có những tên tuổi lừng danh về văn chương, nghệ thuật. Tất nhiên, trước đó từ hồi còn là sinh viên học Mĩ thuật, tôi đã biết đến tên tuổi và các tác phẩm của họa sĩ Thành Chương qua báo chí. Những bức tranh của ông hoàn toàn độc đáo, khác lạ, không thể lẫn với bất cứ ai!

Thế rồi, cũng chính năm 2002 đó, báo chí trong nước và giới mĩ thuật lại một lần nữa “ầm ĩ” về họa sĩ Thành Chương khi mà bức tranh “Tình yêu” của ông được Liên Hiệp Quốc chọn để in trên con tem phát đi thông điệp với tên gọi: Một thế giới, một tình yêu! Cũng khi đó, báo chí lại bắt đầu viết về Việt Phủ Thành Chương – nơi ông thể hiện một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt khổng lồ với nhà cửa, tranh tượng, đồ cổ… để lưu giữ và tôn vinh văn hóa thuần Việt. Phải là con người mang một năng lượng đặc biệt mới có thể làm được những công việc đặc biệt như thế!

Tôi không nhớ mình đã hồi hộp như thế nào để một lần được trực tiếp gặp họa sĩ nổi tiếng với đặc trưng: đầu trọc, kính tròn! Tôi chỉ nhớ rất rõ rằng, hôm đó là thứ Hai đầu tuần, cả báo Văn nghệ họp giao ban dưới sự chủ trì của Nhà thơ Hữu Thỉnh. Tôi rón rén bước vào, nhìn mãi không thấy Thành Chương đâu. Tôi thấy một chiếc ghế còn trống và nín thở ngồi vào. Đó là những giây phút vô cùng hồi hộp, thậm chí căng thẳng, bởi đó là lần đầu tiên tôi được giao ban với báo Văn nghệ. Những gương mặt nổi tiếng mà tôi đã từng đọc, xem, hoặt biết họ trước đó đều lần lượt xuất hiện: Nhà thơ Hữu Thỉnh, Nhà thơ Võ Thanh An, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Nhà văn Bảo Ninh, Nhà văn Trần Huy Quang, Nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn, nhà thơ Đỗ Bạch Mai… và nhiều gương mặt nổi tiếng khác… Nhưng vẫn không thấy họa sĩ Thành Chương???

Tôi ngồi im quan sát, căng hết mọi giác quan để lần đầu tiên cảm nhận cái không khí giao ban của một tờ báo lớn, của những con người thật lớn…

Và giọng nói đầy hào hùng, đầy thuyết phục của Tổng biên tập – nhà thơ Hữu Thỉnh vang lên. Ông nói kĩ về từng bài báo, từng truyện ngắn, từng bút ký và đánh giá rất kĩ về trang thơ vừa đăng trong tuần qua. Bác Hữu Thỉnh nói hay đến nỗi tôi quên mình đang họp, tôi nghĩ đang được dự một cuộc hội thảo về thơ ca và văn chương thì đúng hơn!

Bỗng nhiên, một ai đó vỗ nhẹ vào vai tôi – giật mình tôi ngước lên và sửng sốt: HỌA SĨ THÀNH CHƯƠNG! Phải cố gắng lắm tôi mới không kêu lên thành tiếng. Tôi ấp úng, sợ sệt, lúng túng… Tôi không thể nói câu gì, cứ trân trân nhìn họa sĩ! “Sao cậu lại ngồi vào chỗ của tôi?” – họa sĩ Thành Chương nói cụt lủn. Tôi vội vã đứng lên, lại lúng túng hơn vì chả còn chỗ ngồi. Rất may chỗ ghế đó đủ rộng để họa sĩ và tôi cùng ngồi. Bây giờ thì tôi có dịp ngồi rất gần ông, cũng bắt đầu quan sát kĩ ông hơn, hôm đó ông không để đầu trần mà đội một cái mũ lưỡi trai màu đen, đặc biệt là ông mặc chiếc áo phông màu ghi và… rách te tua ở cổ áo! Tất nhiên, ông vẫn đeo một cặp kính tròn. “Cậu mới đến làm việc ở đây à?” – Thành Chương ghé sát vai tôi thì thào. Tôi lí nhí đáp: “Vâng ạ, cháu mới về… Chú có phải họa sĩ Thành Chương không?”. “Chắc thế!” – Thành Chương đáp lạnh lùng…

Mãi sau này tôi mới biết, ở báo Văn nghệ một cách tự nhiên trong phòng họp có chỗ ngồi của từng người, không ai ngồi lên chỗ của ai. Và cái chỗ mà tôi ngồi trước đó là của họa sĩ Thành Chương, nó ở sát ngay cửa ra vào, không một ai ngồi vào đó ngay cả khi ông vắng mặt. Vì mới đến, nên tôi đã vô tình ngồi vào đó và đó cũng là cái “duyên” rất đẹp mà tôi đã may mắn được thân thiết với một họa sĩ nổi tiếng.

Cũng từ duyên lành đó, tôi thường xuyên được gặp Thành Chương. Mỗi tuần ông đều đặn có mặt từ sớm vào ngày thứ Tư – ngày gọi là “mi” báo (trình bày) trong một căn phòng khá rộng và nhiều đồ đạc: bàn ghế, ấm chén, tranh tượng… rất cổ. Hỏi ra mới biết, tất cả đồ đạc đó do chính tay Thành Chương mua về. Đó là căn phòng rất ấm cúng tỏa ra năng lượng sáng tạo mang phong vị rất Thành Chương. Đó cũng là căn phòng mà một họa sĩ trẻ lơ ngơ như tôi bắt đầu được gặp và quen biết rất rất nhiều họa sĩ đương đại nổi tiếng như: Đặng Xuân Hòa, Lê Trí Dũng, Hà Trí Hiếu, Công Quốc Hà, Phan Cẩm Thượng, Phạm Minh Hải… và nhiều gương mặt khác nữa. Nói theo ngôn ngữ của giới họa sĩ là toàn những “Mét” đương thời. Và những người này đều do chính họa sĩ Thành Chương quy tụ, tức là với uy tín và sự nhiệt tình của mình mà các họa sĩ nổi tiếng đều có mặt ở đó, họ vẽ minh họa cho báo Văn nghệ một cách sáng tạo nhất, nhiệt tình nhất!

Cũng khi đó tôi mới có dịp quan sát chính họa sĩ Thành Chương vẽ minh họa. Trước đó, tôi vẫn nghĩ vẽ minh họa là đơn giản chỉ việc “phụ” cho tác phẩm văn học, nó có ý nghĩa cơ bản là làm rõ hơn, sinh động hơn cho tác phẩm văn học bằng ngôn ngữ tạo hình của nó. Nhưng khi quan sát Thành Chương vẽ thì cái “quan niệm” của tôi bị phá vỡ hoàn toàn. Họa sĩ vẽ rất tỉ mẩn, công phu, kĩ lưỡng, đôi khi vẽ đi vẽ lại, đặc biệt là minh họa màu… Tôi không thể quên cái cảm giác ngắm Thành Chương vẽ minh họa. Ông lúi húi, say sưa như thể đang chìm hết toàn bộ thân thể của mình vào đó. Mỗi khi vẽ ông hoàn toàn im lặng, bàn tay xù xì của ông “vuốt” những nét vô cùng duyên dáng và sinh động… Chính xác hơn, khi ấy ông đang vẽ một bức tranh chứ không phải đơn thuần là vẽ minh họa như quan niệm ngốc nghếch của tôi.

Sau này, chính nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã nói: “…Đối với báo Văn nghệ, minh họa không phải là minh họa đơn thuần, minh họa đã trở thành một văn bản nghệ thuật thứ hai, bên cạnh tác phẩm văn học…và người xây dựng lên quan niệm này không ai khác chính là họa sĩ Thành Chương!”. Điều này hoàn toàn được “xác tín” bằng tất cả những minh họa thời đó, bất cứ họa sĩ nào được minh họa cho báo Văn nghệ là một niềm tự hào, cũng đồng nghĩa với tay nghề và đẳng cấp của họa sĩ đó đã được công chúng chấp nhận. Riêng với bản thân tôi, gần 10 năm làm việc ở báo Văn nghệ, chỉ có đúng 2 lần được in minh họa của mình.

Người Tày của tôi có câu: Muốn hát thì phải xuống chợ! Đại ý là muốn thể hiện cái gì đẹp đẽ của bản thân thì phải tới nơi đông người, và chính cái “chợ” ấy là nơi xuất hiện nhiều người tài giỏi. Tôi luôn cảm thấy mình vô cùng may mắn vì đã được làm việc tại báo Văn nghệ một thời gian dài, và may mắn hơn tôi đã gặp được họa sĩ Thành Chương.

Khi đã có duyên thì không cần phải nói lý do gì mà họa sĩ Thành Chương rất ưu ái tôi! Một lần đột nhiên Thành Chương hỏi tôi: “Này… ASáng, mày sinh năm bao nhiêu?”. Tôi nói tôi sinh năm Bính Thìn (1976), họa sĩ à lên một tiếng rồi nói: “Ôi giời! Hóa ra tuổi của mày gần bằng “tuổi” công tác của tao ở báo Văn nghệ!”.

Họa sĩ Thành Chương rời quân ngũ sau năm 1975 và bắt đầu làm việc tại báo Văn nghệ cho đến lúc nghỉ hưu. Tôi vô cùng ngạc nhiên về điều này, cái thâm niên công tác ấy khiến chú cháu tôi cách nhau đến 30 năm về tuổi nghề lẫn tuổi đời. Thật khó hình dung nổi khi tôi chưa ra đời thì họa sĩ Thành Chương đã có mặt ở báo Văn nghệ, cũng theo lời ông thì trước đó, những năm tháng còn ở chiến trường đã gửi minh họa in ở báo Văn nghệ. Ông cũng giải thích rất rõ về câu nói: “Tôi với báo Văn nghệ là cốt nhục!” trong một lần phát biểu như sau: “Cách đây nhiều năm, có người hỏi tôi là tại sao tôi không rời khỏi báo Văn nghệ? Tôi đã nói thế này: Bố tôi, nhà văn Kim Lân, là một trong những người “khai sinh” ra báo Văn nghệ, bây giờ tôi cũng đã gắn bó hơn 30 năm và phải nói như là cả đời với báo Văn nghệ. Hiện tại, tôi đã 70 tuổi, đúng bằng tuổi báo Văn nghệ bây giờ! Vì thế báo Văn nghệ với tôi là anh em. Tức là cốt nhục của nhau! Đã máu thịt như vậy thì chỉ mình tôi biết chính xác ý nghĩa đích thực của báo Văn nghệ và tôi. Nói rõ hơn, tôi vô cùng may mắn được cống hiến cả đời cho báo Văn nghệ, ngược lại báo Văn nghệ cũng may mắn vì có được sự phục vụ của tôi….”

Cũng theo tôi được biết, trải qua 70 năm phát triển và trưởng thành, báo Văn nghệ đã nhiều lần thay đổi cơ quan chủ quản, thay đổi từ cách trình bày đến măng-séc của báo. Từ ngày họa sĩ Thành Chương đảm nhận mĩ thuật của báo thì cách trình bày và măng-séc hiện tại là chính ông thiết lập! Phong cách trình bày đơn giản, dễ nhìn, dễ đọc, ngay ngắn, nghiêm chỉnh… cực kỳ phù hợp với một tờ báo chuyên biệt về văn chương, chữ nghĩa. Và phong cách đó được giữ cho đến tận bây giờ!

Cũng từ ngày được quen biết và trở thành thân thiết với họa sĩ Thành Chương, tôi hay được họa sĩ gọi đến nhà chơi. Từ đây, cái quan niệm ngốc nghếch về các họa sĩ mà tôi thường nghĩ, hoặc được “dạy”, hoặc được kể… đã “phá sản” hoàn toàn.

Cách sinh hoạt của họa sĩ Thành Chương luôn đi “ngược” lại những điều thông thường của một họa sĩ: ông không hút thuốc lá, không một giọt rượu, nếp sinh hoạt của ông nghiêm chỉnh, giờ giấc và “tăm tắp” như một người lính chính hiệu. Căn phòng vẽ của ông sạch như lau như li, ông sắp xếp khéo đến nỗi tôi không dám sờ vào hoặc làm xô lệch đi bất cứ thứ gì dù chỉ một chút xíu. Bước vào phòng vẽ của ông, tôi có cảm giác là ở phòng triển lãm mĩ thuật thì đúng hơn. Ông luôn dạy tôi rằng: đã làm cái gì thì phải làm toàn bộ, làm đến khi không còn gì để sửa nữa thì thôi! Và thực tế mỗi hành động của ông đều chứng minh rõ quan điểm đó. Phòng vẽ của ông ngăn nắp và khoa học vô cùng: chỗ này là để bột màu, giấy, bút… để vẽ minh họa, phác thảo, và các thể loại tranh giấy. Chỗ kia là nơi vẽ sơn mài, phải gọn ghẽ, sạch sẽ, có chỗ đựng nước để mài, những hộp đựng vật liệu phải đầy đủ, không được thiếu thứ gì… Còn chỗ này thì để bày tranh, nó phải có không gian, vẽ xong mình ngồi ngắm – ngắm thật kĩ – nếu thấy chỗ nào không ổn thì sửa…Và phải nhớ là sửa đến khi nào không thể sửa được nữa mới thôi!

Cũng chính nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói đùa: “…Vào phòng vẽ bác Chương thấy thoải mái vô cùng vì sạch quá, còn tao với mày vẽ thì lấm lem như đi bừa ruộng!”.

Cái tinh thần và năng lượng làm việc – quyết liệt – hết sức – đến cùng của họa sĩ Thành Chương đã khiến trong tâm khảm tôi luôn coi họa sĩ là một người thầy lớn! Nếu tôi không về báo Văn nghệ, không gặp họa sĩ Thành Chương, tôi tự biết rằng, thật khó để trở thành một họa sĩ. Mỗi ngày tôi đều cố gắng nhớ đến lời dạy của ông: làm cái gì thì phải làm đến cùng! Đó là sự kiên nhẫn – một yếu tố vô cùng quan trọng đối với ai muốn theo nghề hội họa. Thế nhưng, cho đến bây giờ tôi chỉ “học” được từ cái năng lượng khổng lồ của ông một phần nhỏ bé mà thôi.

Họa sĩ Thành Chương trao tặng chiếc bật lửa làm quà tặng “truyền lửa” cho A Sáng trong triển lãm đầu tay “Miền A Sáng”, tháng 10, 11/2016.

Trong lần triển lãm đầu tay của tôi, họa sĩ Thành Chương đã động viên tôi rất nhiều, chính ông nói: “Được, đã có phong cách riêng, triển lãm thôi!”. Và cũng chính ông “mắng” khi tôi tỏ ra mệt mỏi, có phần buông xuôi ở phần làm cuốn sách. Khi nhìn cuốn sách giới thiệu tranh của tôi, ông nổi nóng nói: “Thế này không được! Ai bảo mày làm thế! Ẩu vô cùng…!”. Lúc đó phần vì mệt, phần vì đuối sức tôi đã lờ đi, coi như xong việc. Nhưng sáng hôm sau, họa sĩ Thành Chương gọi điện cho tôi đến một quán cà phê rồi đưa tôi cuốn sách giới thiệu tranh của tôi. Thú thực, lúc đó tôi vô cùng sung sướng, sửng sốt, và cả xấu hổ nữa! Hóa ra, cả buổi chiều hôm trước, sau khi mắng tôi, họa sĩ Thành Chương đã âm thầm trình bày lại cuốn sách của tôi, ông ngồi vài tiếng liền chỉ để “làm lại” cuốn sách của một cậu học trò người Tày bé nhỏ! Thật sự xúc động, thật sự biết ơn và thật sự ngượng ngùng!

Đến bây giờ vẫn vậy, dù đã về hưu, không còn chịu trách nhiệm với mĩ thuật của báo Văn nghệ nữa, nhưng ông vẫn đau đáu với những gì đang diễn ra, chính ông đã “tiến cử” nhiều họa sĩ trẻ có khả năng vẽ minh họa – mà phải vẽ đẹp – đẹp như một tác phẩm nghệ thuật độc lập – một văn bản nghệ thuật thứ hai… mới xứng đáng được in trên báo Văn nghệ. Số báo nào ra ông cũng đọc, ngắm nghía và đôi khi tôi thấy mắt ông đượm buồn! Nỗi buồn của một nghệ sĩ lớn với một tờ báo lớn!

Kể về họa sĩ Thành Chương thì còn rất nhiều, với tôi – một học trò, một đồng nghiệp vào hàng con cháu, tôi chỉ có thể điểm xuyết vài cảm nhận về nguồn năng lượng tuyệt vời, đắm say, bền bỉ, kiên nhẫn, quyết liệt… đã làm gì phải làm đến cùng – một phong cách – một triết lý sống và sáng tạo độc đáo của họa sĩ Thành Chương!

Hà Đông, ngày 9/4/2018

A SÁNG