Miền tâm hồn của Hoàng A Sáng

 

Trong triển lãm cá nhân đầu tiên của mình, Nhà báo Hoàng A Sáng đã đem 40 bức tranh để mọi người thấu hiểu thêm “Miền” của anh.“Miền” là cái tên được anh  đặt cho triển lãm, một cái tên hơi khó hiểu, nhưng những người đã từng quen A Sáng thì hiểu ngay đó là “Miền tâm hồn” của anh.

Họa sĩ Thành Chương, người đã từng theo dõi từng bước đi của A Sáng trong hội họa đã nói: “Biết A Sáng từ ngày còn chân khô, chân ướt mới rời miền cao xuống miền bằng thoắt cái đã mấy mươi năm. Đầu lúc nào cũng ong ong trăn trở. A Sáng là ai? Nghệ thuật của A Sáng là gì? Và rồi chợt sửng sốt ngỡ ngàng trước một “Miền A Sáng” đầy tràn những cảm xúc đắm say, đớn đau, ngây ngất với đàn bà. Rần rật trong máu với miền rừng sáng trong, hồn nhiên chân chất…”

A Sáng đã từng tâm sự: “Đối với tôi làm báo và vẽ tranh là hai cực đối nghịch, sự bổ trợ cho nhau một cách tuyệt vời. Tôi chưa phải thiền sư để sống tĩnh lặng hết kiếp này. Tôi phải sôi động, lăn mình vào đời sống truyền thông để thực hiện cái phần người của xã hội, rồi lại tách mình ra, đi vào cõi riêng, tĩnh lặng để cố gắng hoàn thiện cái tâm thức bên trong sâu thẳm của mình”.

Với một môi trường hỗn loạn và xô bồ, để tĩnh lặng, để yêu thương sao lại khó thế! Và rất hiểu con đường để A Sáng đi tới cái Miền kia khó như thế nào. Những đêm không ngủ, trăn trở với bút vẽ và câu hỏi: Mình là ai, mình đang làm cái gì? A Sáng đã dần vượt lên chính mình và tìm ra “Miền” của mình, chính mình. Những dòng tâm sự này mới thật là A Sáng, thật là “Miền A Sáng”: Tôi nghe trong gió tiếng thì thầm của tổ tiên ngàn đời! Họ hát bài ca “Khảm hải” (Vượt biển) từ đâu đó ngoài kia xa lắm…
Một đoàn người lầm lũi, ướt nhòe. Muối ở biển đã thấm sâu vào da thịt họ, mặn chát dòng nước mắt! Và họ cứ đi, tìm nơi thật cao đón ánh dương ngọt lịm. Tìm nơi nào ít khổ đau, nhọc nhằn. Tìm nơi nào mà con cháu họ no đủ và không bao giờ khóc vì sự mặn chát của nước mắt.

Người đàn ông đi đầu bỗng cắm thanh gươm sắc xuống đất và nói: Dừng lại ở đây!

Và từ đó, bản Pác Thay của tôi ra đời. Cánh đồng, dòng sông, cọn nước… cũng ra đời. Cha tôi. Mẹ tôi. Anh chị em tôi. Họ hàng của tôi… nở ra như những đóa hoa rừng. Họ lặng lẽ tỏa hương – mùi hương đặc biệt của người Tày!

Về đi hỡi tổ tiên của chúng con! Về đi nhé dẫu có xa ngàn trùng!

Miền của anh chính là nỗi vọng tưởng về quê hương Trùng Khánh, Cao Bằng. Là dòng máu Tày chảy rần rật trong huyết quản, và cả những người phụ nữ Tày đảm đang và chân chất đã từng nuôi dưỡng anh và yêu thương anh.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã viết: “Hoàng A Sáng đã sống thực sự với tinh thần của dân tộc anh. Chính thế mà tinh thần và vẻ đẹp của dân tộc anh đã hiện ra trong một vùng văn hóa khác và trong chính thế giới hiện đại mà anh đang sống trong nó. Những hình thức bên ngoài của dân tộc anh được loại đi rất nhiều như áo váy thổ cẩm, trang sức bạc đồng, nhà sàn hay núi non… để cho cái văn hóa và tinh thần bên trong của dân tộc anh hiển lộ. Đấy chính là nghệ thuật, đấy chính là văn hóa.”

PHẠM TÔ CHIÊM (Báo Tuổi trẻ)