“Đến với không gian miền núi trong tranh Hoàng A Sáng, nhiều người yêu thích hình ảnh những ngôi nhà sàn với những bối cảnh khác nhau, không gian khác nhau, nhưng đều toát lên vẻ đẹp bí ẩn từ vùng cao Đông Bắc. Những ngôi nhà biết kể chuyện, những câu chuyện đầy thi vị: Có ngôi nhà cận cảnh nhìn rõ từng mái ngói, khung cửa, cầu thang với chung quanh là nọc rơm và cây cảnh; có ngôi nhà phía dưới sàn là những con thú nuôi trâu bò ngựa đang ung dung tự tại, còn trên nhà là đôi lứa đang nồng nàn hôn nhau; có ngôi nhà lưng tựa vào núi, phía trước rực rỡ hoa cải hay tam giác mạch; có ngôi nhà nằm chon von trên ngọn đồi hay bao bọc bởi ruộng bậc thang đang mùa lúa chín vàng. Hay có ngôi nhà cạnh dòng sông với chiếc xuồng cắm sào chờ đợi, hay yên tĩnh dưới ánh trăng tròn vằng vặc tỏa sáng núi rừng…
Nhiều người nói rằng, nhìn vào tranh vẽ phong cảnh miền núi của Hoàng A Sáng cảm giác như trước mắt mỗi bức tranh thực sự là một bài thơ bằng màu sắc, được chế từ chính hoa, lá, vỏ cây… lấy về từ rừng và nhất định phải là rừng núi Đông Bắc. Đặc biệt các bức tranh vẽ về con người vùng cao, như Đi chợ, Xuống chợ, Em bé và ngựa, Khoe váy… không tỉ mỉ, mô tả nhiều chi tiết, mà nó được giản tiện, gồm các mảng miếng ấn tượng. Nhân vật, con người trong tranh cũng hết sức phiêu diêu, phảng phất. Đúng là một cuộc dạo chơi bất tận với sắc màu của một họa sĩ núi rừng.
Tranh của Hoàng A Sáng thể hiện được nét trong sáng, hồn nhiên, chân chất của đồng bào miền núi vùng cao. Ở đó, người ta không chỉ thấy núi đồi, thấy nắng, thấy những mùa hoa tuyệt đẹp nơi non cao, mà còn thấy tâm hồn của họa sĩ, thấy tâm tình của người vẽ về cố hương và những nơi chốn đã đi qua.
Hoàng A Sáng nổi tiếng ở sự độc đáo, nổi tiếng bởi sự đa tài nhưng trên hết, thứ khiến anh nổi tiếng thực sự là khả năng bảo toàn nguyên vẹn, nguyên khối những gì thuộc về cội nguồn…”