“Xin khẳng định rằng, nhờ mạng xã hội mà họa sỹ không những có lợi về mặt giao dịch mà còn có lợi cả về nghề nghiệp.” – Hoạ sỹ Hoàng A Sáng chia sẻ với báo Thời Đại.
Hoàng A Sáng là một cái tên được nhiều người yêu tranh biết tới trên danh nghĩa hoạ sỹ, bên cạnh đó, anh còn là một nhà báo kỳ cựu. Đam mê vẽ tranh và lập danh ở độ tuổi trung niên với hàng trăm tác phẩm chủ đề Thiền, Hoàng A Sáng đã tổ chức 2 triển lãm mang tên “Miền A Sáng”.
Cõi mộng mơ an lạc của “Miền A Sáng” sẽ không thể lan toả và được nhiều người biết tới nếu như hoạ sỹ không chơi Facebook. Chính Hoàng A Sáng đã nhận định như vậy trong cuộc trò chuyện với báo Thời Đại. Chia sẻ về chủ đề sức mạnh của mạng xã hội đã tác động đến giới hoạ sỹ nói chung và nghệ thuật nói riêng ra sao?, cha đẻ của “Miền A Sáng” đã có những chia sẻ rất thẳng thắn và chân thành xung quanh chủ đề này:
Tác phẩm “Thiền” của hoạ sỹ Hoàng A Sáng. |
– Theo dõi Facebook của hoạ sỹ đã lâu, tôi thấy anh thường xuyên đăng tải các tác phẩm của mình lên đó, tôi xin phép được hỏi thật: Động cơ đăng tranh lên facebook của anh là gì?
Tôi cũng như các họa sỹ khác thường xuyên đăng tải những bức tranh của mình lên Facebook như một sự giới thiệu các tác phẩm của mình. Trước hết là để mọi người hiểu hơn về đời sống, công việc sáng tác của họa sỹ. Và cuối cùng là mong muốn những nhà sưu tập, người yêu tranh có thể giao lưu trực tiếp với họa sỹ…
– Facebook của anh hiện tại không còn đơn thuần là trang cá nhân để chia sẻ hình ảnh, nó còn là một “Gallery online” – một phòng tranh điện tử, nơi mà hoạ sỹ có thể gặp trực tiếp nhà sưu tập. Trước đây, khi chưa chơi Facebook, anh tiếp cận các nhà sưu tập ra sao?
Phải nói rằng nhờ mạng xã hội mà các họa sỹ trẻ như chúng tôi có cơ hội để tiếp cận và tiếp cận trực tiếp với người yêu tranh và người sở hữu tranh. Nếu không có công cụ xã hội này thì thực lòng mà nói sẽ thiệt cho cả hai: họa sỹ và người sưu tập.
Bởi trước kia, khi chưa có mạng xã hội, các họa sỹ nếu muốn công bố những bức tranh của mình phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: báo chí, nhà môi giới, triển lãm… Những “rào cản” này thật sự là một gánh nặng từ tinh thần đến vật chất, đặc biệt là vật chất! Tôi nhấn mạnh vật chất vì họa sỹ trẻ thường nghèo không đủ điều kiện để tổ chức triển lãm, thuê nhà môi giới, hoặc báo chí… để giới thiệu tác phẩm của mình. Nếu có nhà sưu tập để ý thì cũng phải qua các nhà môi giới, tất nhiên phải trả phí cho họ, phí này có lúc lên tới 50% giá của tác phẩm. Hoặc, họa sỹ phải mang tranh đến các Gallery để gửi bán, nếu may mắn hơn thì họ sẽ mua trước nhưng với giá rất rẻ… Nói tóm lại là cực kỳ khó khăn, đi qua nhiều “cửa ải” mới tới được người sưu tập tranh, vì thế thiệt cho cả hai.
– Là một hoạ sỹ “được lợi” rất nhiều từ mạng xã hội, anh thấy Facebook đã góp phần thay đổi cục diện gì trong giới hội hoạ nói chung?
Xin khẳng định rằng, nhờ mạng xã hội mà họa sỹ không những có lợi về mặt giao dịch mà còn có lợi cả về nghề nghiệp. Ví dụ ngày trước, họa sỹ muốn xem một tác phẩm của người nước ngoài là hoàn toàn rất khó, phải lên thư viện lớn, hoặc qua tạp chí mà phải tạp chí in màu đắt tiền… Nói thật là thế hệ của chúng tôi khi mới vào nghề là gần như mù tịt về bên ngoài.
Nhưng bây giờ cả thế giới chỉ nằm trong lòng bàn tay, cực kỳ thuận tiện vì họa sỹ nước ngoài cũng như ta đều có trang cá nhân, chỉ cần vào là xem được. Chính vì điều đó, bây giờ có một cuộc chơi công bằng, minh bạch. Không thể sao chép, hoặc ăn cắp ý tưởng của bất cứ ai mà không bị phát hiện. Họa sỹ bây giờ buộc phải nghiêm túc hơn với chính nghề của mình, tự bảo vệ mình bằng sự lao động chân chính, và bảo vệ sự trong sạch của nghệ thuật bằng mạng xã hội. Đã có những sự vụ phát hiện sao chép, vi phạm bản quyền… đẩy lùi mặt trái trong nghề nghiệp.
Phải nói rằng, môi trường mỹ thuật nói chung đã minh bạch và công bằng hơn rất nhiều. Bạn có tranh đẹp sẽ có người tìm đến, bạn vẽ không đẹp thì không ai để ý… Không còn những chiêu trò để lừa mị công chúng, không còn cái kiểu “đè bẹp” những họa sỹ trẻ mới vào nghề… Nói cách khác, sự thật và vẻ đẹp đã được bảo vệ, nâng đỡ bằng công cụ mạng xã hội.
Tác phẩm “Love đỏ”. |
– Việc hoạ sỹ và nhà sưu tập trực tiếp giao dịch, điều này sẽ khiến các phòng tranh, các trung tâm đấu giá có nguy cơ bị thu hẹp thị phần, và thậm chí sẽ bị trở thành “phe yếu thế”. Ý kiến của anh thế nào về vấn đề này?
Thực ra việc các phòng tranh trở thành phe yếu là không hoàn toàn đúng. Chỉ có những phòng tranh yếu hoặc làm ăn không nghiêm chỉnh mới yếu hoặc phá sản. Những phòng tranh lớn bây giờ họ chuyển sang nhiều cách tổ chức và kinh doanh cực kỳ chuyên nghiệp. Họ tổ chức đấu giá, trưng bày những họa sỹ mà họ yêu thích, hoặc họ bảo hộ, mua bản quyền toàn bộ hay từng giai đoạn của các họa sỹ… Nghĩa là vị trí và vai trò của họa sỹ được tôn trọng, được coi là trung tâm của việc kinh doanh nghệ thuật. Điều này là tuyệt vời cho người sáng tác, họ sẽ yên tâm sáng tác và chỉ sáng tác còn những việc khác đã có những tổ chức hoặc cá nhân chuyên nghiệp chăm nom, và quan trọng là cả hai đều có lợi. Đây cũng là một “công cụ” hết sức quan trọng làm cho thị trường nghệ thuật được chất lượng hơn, người mua tranh cũng được sở hữu những tác phẩm tốt hơn.
– Anh đánh giá thế nào về tệp khách hàng (nhà sưu tập) của mình ở Facebook (về độ chịu chơi, độ am hiểu nghệ thuật) so với các nhóm khách hàng khác?
Nếu gọi là nhóm khách hàng thì tôi không am hiểu, cũng không tìm hiểu, chỉ có một sự thật là hiện nay có một tầng lớp tạm gọi là “trung lưu trẻ”, nghĩa là một lớp người trẻ nằm ở độ tuổi xêm xêm như tôi, họ rất thích sưu tập tranh nghệ thuật, được sáng tác bởi những họa sỹ kiểu như tôi. Họ có phông thẩm mỹ khá cao, nhưng tài chính thì không đủ để sưu tập những họa sỹ nổi tiếng như thời Đông Dương hoặc những họa sỹ đương đại đã thành danh. Họ bắt đầu chú ý đến những họa sỹ trẻ như tôi.
Nói nôm na là họ thích thì mua chứ không có ý niệm gì khác. Bản thân tôi cũng rất vui và vô cùng biết ơn họ, nếu không có họ thì bọn tôi rất khó sống để sáng tạo, giữa tôi và họ có một sự “liên kết” bằng trái tim. Có thể nói là họ hiểu tôi, đồng cảm với tôi từ nghệ thuật cho đến tài chính, và quan trọng là không phải thông qua bất cứ khâu “trung gian” nào.
Như vậy có thể nói, việc giao dịch qua mạng xã hội đang trở thành xu thế, cá nhân tôi thì cũng không biết nhận xét thế nào, chỉ thấy việc này rất tiện lợi, đàng hoàng. Còn nhóm khác hàng khác như kiểu những cá nhân hay tổ chức đầu tư nghệ thuật thì theo tôi quan sát, họ vẫn tập trung chú ý đến những tác phẩm “mét” tức là những họa sỹ Đông Dương, hoặc những họa sỹ đương đại đã thành danh. Nhóm này tôi ít khi được tiếp cận nên không biết hoạt động họ ra sao… Tôi chỉ có suy nghĩ thế này, là họa sỹ thì mình cứ vẽ, có mạng xã hội hỗ trợ là cực kỳ may mắn.
Tác phẩm “Ký ức” |
– Thế giới phẳng trên Facebook nói riêng và internet nói chung có lợi và có hại gì cho giới hoạ sỹ? Anh thấy mình thay đổi ra sao từ khi chơi “phây”?
Từ ngày dùng Facebook đến giờ cá nhân tôi chỉ thấy có lợi, chưa hề thấy độc hại chỗ nào. Việc sử dụng Facebook để giới thiệu tranh tôi nghĩ đó là xu thế của thời đại, cũng là sự may mắn của mỗi cá nhân. Việc quan trọng là lao động nghiêm túc, chân thành với cộng đồng, mình tài đến đâu thì tiền sẽ có đến đó, không thể gian dối được, cũng không thể nói phét lác được, mọi thứ được phơi bày hiển lộ rõ ràng.
Tôi thấy mình không có sự thay đổi nào từ ngày chơi “phây”, bởi bản chất mình thế nào thì mình vẫn vậy.
– Làm thế nào để cái tên Hoàng A Sáng lại trở nên quen thuộc với các nhà sưu tập ở cương vị hoạ sỹ, nghe nói, họa sỹ – nhà báo Hoàng A Sáng rất giỏi làm PR. Theo anh, truyền thông hỗ trợ thế nào đến tên tuổi và vị thế của người hoạ sỹ?
Thì bạn thấy đấy, bản thân tôi cũng là nhà báo, tôi am hiểu và biết cách làm thế nào để nhà sưu tập nhìn thấy tranh của tôi một cách nhanh nhất, trọn vẹn nhất. Hơn nữa đã 20 năm nay tôi sống trong làng báo nên tôi nhiều bạn là nhà báo, họ sẵn sàng giúp đỡ và ủng hộ tôi trong đời sống cũng như trong việc quảng bá nghệ thuật. Đó là một lợi thế của cá nhân tôi, vì vậy không có cái cớ nào mà tôi không tận dụng điều này.
Truyền thông vô cùng quan trọng nhưng không quyết định việc bán được tranh hay không. Như tôi đã nói ở trên, họ thích thì họ mới mua, không có cách nào khác, truyền thông đã giúp tôi rất nhiều và cũng giúp người sưu tập tranh rất nhiều, nếu không có truyền thông thì giữa tôi và họ sẽ rất khó gặp nhau.
– Cuối cùng, dù là phòng tranh online trên Facebook hay Gallery ở ngoài thị trường, theo anh, điều gì làm nên giá trị của một tác phẩm hội hoạ? (Tính độc bản, tính sáng tạo… hay điều gì khác)?
Dù ở trên mạng, hay ở thực địa thì giá trị nghệ thuật vẫn nguyên vẹn như bản thân nó. Mạng xã hội có công năng gạt bỏ những rào cản không cần thiết, giúp cho người vẽ và người sưu tập đơn giản mọi vấn đề mà thôi. Sẽ thật sung sướng khi bạn vẽ xong bức tranh, bạn không phải mang nó đi đâu cả, chỉ cần chụp ảnh và đăng nó lên trang cá nhân của mình, được nhà sưu tập chọn từ “phòng tranh online” của bạn. Đó là điều tuyệt vời, đó là ân huệ của cuộc sống này trao tặng bạn. Việc cần làm bây giờ là hãy chăm chỉ lao động, nghiêm túc lao động, và hãy biết ơn những người đã yêu và sở hữu tác phẩm của bạn.
– Xin cảm ơn hoạ sỹ đã chia sẻ, chúc anh có thêm nhiều tác phẩm ưng ý!
Theo Thời đại