Họa sỹ Hoàng A Sáng: Làm báo vẽ tranh là hai cực đối nghịch…

AS: Nghề báo này đến với tôi như một cái duyên rất lành. Trước đây, tôi tham gia làm báo với tư cách là họa sỹ trình bày, tôi kinh qua rất nhiều tờ báo. Trong thời gian đó tôi đã tự học viết, rồi tham gia tổ chức khá nhiều tờ báo, đặc biệt là thời kỳ cùng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Nguyễn Quyến… thực hiện những tờ: Cảnh Sát Toàn Cầu, Pháp Luật và Đời sống, Đang Yêu… Rồi bây giờ tôi và một số đối tác đang thực hiện khá tốt tờ Tuổi Trẻ & Đời Sống, Người giữ lửa và một số trang tin điện tử… Về cơ bản, hiện tại tôi vẫn sống bằng nghề báo, dành phần lớn thời gian cho công việc này.
Vì thế bạn bè và nhiều người không nghĩ tôi vẽ, nhưng chuyên môn của tôi là hội họa, được đào tạo khá bài bản. Tôi vẫn vẽ ngoài thời gian làm báo, chính xác là về đêm. Hầu như đêm nào tôi cũng vẽ. Đã hơn 15 năm nay chưa bao giờ tôi nghỉ vẽ về đêm. Công việc này như một cõi riêng của tôi, nó cuốn hút, mê dụ tôi vì lẽ gì tôi không biết, nhưng trong sâu thẳm tôi cần vẽ thế thôi.
Tôi vốn là người khá cẩn trọng, nghiêm túc với nghề, vì vậy tôi ít khi công bố hoặc tham gia triển lãm tập thể. Ngay cả trên fb cá nhân tôi cũng ít khi “khoe” tranh của mình. Vì tôi thấy nó chưa đẹp, chưa thực là tôi, còn một cái gì đó chưa ổn… Đôi lúc, tôi đã nghĩ mình không đủ duyên để sáng tạo ra những bức tranh như mong muốn. Tôi đã từng tuyệt vọng, rồi lại hy vọng. Nhưng tôi là người khá “lỳ”, cứ kiên nhẫn vẽ, từng tí một, lay hoay với thế giới màu sắc, mảng miếng, đường nét… của riêng mình trong suốt 15 năm qua.
Đến ngày hôm nay, tôi bắt đầu tìm ra chính mình trong hội họa. Một “miền” rất riêng biệt, ít nhất nhìn tranh tôi không lẫn với bất kỳ họa sỹ nào. Đẹp hay xấu tôi không khẳng định, nhưng đã có phong cách riêng, cái chất rất riêng là tôi thấy yên tâm vô cùng, thế nên tôi chọn tháng 10 này tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên, với cái tên “Miền ASáng”.
Họa sỹ Hoàng A Sáng: Làm báo vẽ trang là hai cực đối nghịch…
– Anh có suy nghĩ thế nào về hội họa, con đường hội họa đến với anh như thế nào?
AS: Suy nghĩ của tôi về hội họa rất đơn giản: tĩnh lặng, nhẹ nhàng, huyền ảo, dễ chịu và lãng mạn. Tôi không đưa triết lý vào hội họa, vì ngôn ngữ của nó rất đặc thù: đường nét, hình khối, đậm nhạt, màu sắc…vì thế nó là nghệ thuật tuyệt đối hình thức, không nên suy diễn về nội dung, áp đặt ngôn ngữ kiểu văn học. Tôi vẽ những điều giản dị, hoặc hướng đến cõi tâm linh bằng hình thức “thiền” trong tranh. Tôi thích những bức tranh của mình có sự tĩnh lặng, ấm cúng, nhẹ nhàng.
Như tôi đã nói, tôi được đào tạo bài bản về hội họa, nghĩa là tôi yêu thích từ bé, có đôi chút năng khiếu bẩm sinh. Tôi sinh ra và lớn lên ở tận bản Pác Thay xa tít tắp. Ở đó chẳng có ai vẽ cả, gia đình tôi không ai làm nghệ thuật, cũng không một trường lớp nào dạy về hội họa. Nhưng tôi là người may mắn vì được đi học ở trường nội trú của tỉnh Cao Bằng. Tôi bắt đầu được tiếp xúc với một số ít người có nghề vẽ, tôi học từ họ, được tư vấn nên thi vào trường nào để học…
– Người ta vẫn quen với một A Sáng làm báo rất “ngầu” với những đề tài nóng và hấp dẫn. Anh có nhớ mình đã đến với nghề báo như thế nào?
AS: Nghề báo là cái duyên lành đến với tôi. Nghề này cho tôi nuôi sống gia đình. Và thực ra tôi cũng phải có năng khiếu báo chí chứ nhỉ? Nếu không sao tôi làm nổi. Như tôi đã nói, ban đầu tôi tham gia làm báo với tư cách là họa sỹ, bắt đầu quen với một quy trình làm báo như thế nào. Rồi thời gian rảnh rỗi tôi đọc tất cả các báo, và tôi bắt đầu đặt bút viết thử. Tôi nghĩ mình nên viết để kiếm thêm nhuận bút, tức là cái động cơ vì kiếm sống chứ không hẳn đam mê. Nhưng đó lại là một ân huệ! Tôi viết khá tốt, được nhiều báo chấp nhận.
Cứ thế tôi đi vào nghề báo một cách chuyên nghiệp lúc nào không biết. Tham gia rất nhiều tờ báo cho đến tận bây giờ. Xin nói lại, đây là một nghề như một ân huệ với cuộc đời tôi! Nghề này cho tôi nhiều thứ lắm! Tôi biết ơn vô cùng với nghề này, những người “thầy” như nhà văn Hữu Ước, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà báo Vũ Song Toàn… nếu không có họ và những tờ báo họ cho phép tôi làm thì thực sự tôi không sống nổi ở phố phường này. Chuyện về nghề báo với tôi thì quá nhiều, nên chỉ kể đơn giản thế thôi.
– A Sáng là một người dân tộc Tày thành công ở mảnh đất thủ đô hoa lệ, anh có nhớ gì về mảnh đất của mình, và với anh, nền tảng để làm nên một A Sáng của ngày hôm nay là gì?
AS: Tôi chưa dám nghĩ mình là người thành công, tôi chỉ sống được, sống khá tốt ở thủ đô bằng nghề báo. Còn với cố hương thì làm sao tôi có thể quên được! Không một ai có thể quên nổi cố hương. Tôi nhớ mọi thứ, cái cây, ngọn cỏ, mùi phân trâu trộn với bùn non, cánh đồng, sườn núi… và tôi vẫn còn mẹ già ở đó, tết nào tôi cũng về với mẹ. Tôi viết rất nhiều về bản Pác Thay yêu dấu của mình.
Cái nền tảng làm ra một ASáng hôm nay chính là bản Pác Thay yêu dấu ấy, mọi giấc mơ tôi đều thấy ngôi nhà của cố hương mình. Bạn bè thân thiết của tôi đều thấy được bản chất người Tày của tôi trong tranh dù tôi vẽ dưới bất cứ hình thức gì. Tôi nhớ lời của một ai đó rằng, ngày xưa tôi sống trong làng, bây giờ làng sống trong tôi. Hoàn toàn chuẩn xác về điều đó, bất cứ ai sống xa quê đều cảm nhận được điều đó.
– Hội họa cần yên tĩnh, trong khi làm báo, mà báo thị trường như anh vẫn làm thì ngược lại, cần sự sôi động, anh đã phân thân như thế nào, có thể đạt được cả hai điều đó?
AS: Đúng, đó là hai đối cực rất khác nhau. Ban ngày tôi làm báo, từ sáng đến tối mịt mới về đến nhà. Cả ngày tôi chúi mũi vào thông tin: phân tích, nhận định, lên kế hoạch, thực hiện… nói chung là làm việc ầm ầm, chạy ầm ầm, nếu không sẽ thất bại ngay trong cái thế giới truyền thông như tổ ong náo loạn này.
Mỗi khi về đến nhà, tôi mệt nhoài và thường thì chỉ muốn ngủ một giấc. Đã có thời kỳ như vậy, tôi gần như kiệt sức vì tham gia quá nhiều tờ báo. Cái trạng thái xì – trét là thường trực. Nhưng thật lạ, càng mệt bao nhiều thì lại càng muốn vẽ bấy nhiêu. Bước vào phòng vẽ như một sự “thư giãn” tuyệt vời. Tôi luôn căng sẵn toan, màu, bút… ở đó.
Khi mọi người trong nhà đi ngủ, tôi bắt đầu vẽ, càng vẽ càng cảm thấy khỏe ra, tươi tắn hơn, tỉnh táo hơn, có nhiều năng lượng hơn! Nói vậy có vẻ vô lý, nhưng với tôi đó là sự thật. Nhiều người cũng cảm thấy tôi bơ phờ, hốc hác vì thức đêm quá nhiều, nhưng trong sâu thẳm tôi thấy mình rất khỏe, tràn đầy năng lượng mỗi khi bước vào phòng vẽ.
Nói cách khác đó là một cõi rất an lành, chỗ riêng tư, nơi tôi có thể lấy lại năng lượng và thư giãn một cách tuyệt đối. Như tôi đã nói ở trên, ngôn ngữ của hội họa rất khác biệt: đường nét, hình khối, mảng miếng, màu sắc… có sức quyến rũ vô cung, nó cho tôi sự tự do tuyệt đối, khi ấy tôi không còn lý trí, chỉ có tình cảm tuôn trào, tuôi muốn vẽ thế nào tùy tôi, vẽ hỏng tôi bỏ đi, vẽ đẹp tôi giữ lại… không bị tuân theo một “quy định” nào, hoặc sợ hãi bất cứ điều gì. Tự do vô cùng! Có lẽ vì điều đó mà mọi ức chế khi làm báo được giải phóng, bạn biết đấy, làm báo là nghề có quá nhiều “quy định”, vô số sự căng thẳng. Còn hội họa thì ngược lại, một thái cực như âm – dương; lửa – nước. Thế nên vẽ là không thể thiếu đối với tôi.
Nói cách khác đó là sự bổ trợ tuyệt vời.
– Anh đã mất bao nhiêu thời gian để có được triển lãm lần này và Anh muốn mang thông điệp gì thông qua triển lãm ấy?
AS: Phải nói là tôi đã mất 41 năm cho cuộc triển lãm này, vì đây là lần đầu tiên và tháng 10 năm nay tôi tròng 41 tuổi. Tôi chẳng có tham vọng gì với hội họa, vì thế tôi không có thông điệp nào cụ thể, hoặc cố ý nói một cái gì đó thông qua cuộc triển lãm này. Như tôi đã nói, tôi yêu thích sự tĩnh lặng, trong sáng, nhẹ nhàng, huyền ảo, lãng mạn. Đó chính là bản chất của tôi. Vì thế triển lãm này như một sự chia sẻ với mọi người về con người thật nhất của chính mình: Miền ASáng!
Trần Kim thực hiện
Theo TCĐNA