“Đường về nhà”

Mình rất thích cụm từ này. Đặc biệt thích.

Nhà là gì? Là nơi cất giữ trái tim và tâm hồn mình. Hẳn là thế rồi.

Khi mình rời bỏ cái thung lũng xanh biếc với dòng nước rí rách chảy như đã triệu năm, mình đã biết, cho đến tận những ngày cuối cùng trên con đường phía trước, trong sâu thẳm, mình sẽ luôn đau đáu hai từ “Về nhà”. Và mỗi khi trở về, gần đến khúc quanh, xe vẫn chạy, mình chỉ ước tốc độ xe giảm xuống 5km/h. Chậm, thật chậm, để mình có thể hít vào ngực trọn vẹn mùi của cỏ cây, hơi của nước, khói của những mái bếp lợp cọ, hít vào toàn bộ những ngọt ngào của kí ức vừa thật xa xôi vừa vô cùng gần gụi…

Điều này mình chưa hề nói với A Sáng, trong suốt những cuộc café lươn khươn không màng ngày tháng. Thế mà lúc này, mình lại nhìn thấy ở Sáng, trọn vẹn trái tim và tâm hồn u buồn, thiết tha và phóng khoáng của một thằng người miền núi, ngay giữa một đô thị toàn người là người, toàn đường là đường, toàn xe là xe. Và có lẽ, tất cả những thằng người miền núi như mình, như A Sáng, đều luôn muốn trở về. Luôn muốn tìm lý do nào đó, căn cớ nào đó, duyên phận nào đó, để trở về.

Trên cổ chân mình có dòng chữ: Wayhome, được Nam Xù viết rất thanh thoát. Khi cô con gái bé của mình hỏi: Dòng chữ ấy có nghĩa là gì hả mẹ? Lúc đó hai mẹ con đang dắt tay nhau đi trên vỉa hè phố LNĐ, trời đã hơi tối tối. Mình nói: Nó có nghĩa là “Đường về nhà”. Tức là, cho dù mẹ có đi đâu, cùng trời cuối đất, thì mẹ cũng luôn muốn trở về nhà với các con. Con gái mình xúc động cực kì, nó siết rất chặt tay mẹ.

ĐƯỜNG VỀ NHÀ – Tranh sơn dầu của A Sáng

“Đường về nhà” của A Sáng, mảnh khảnh, buồn bã, tĩnh lặng, và cô đơn. Màu vàng của ánh trăng, mình nghĩ thế, hơi lạnh lạnh, khía những vết xước vào hồn vía đứa con xa nhà. Một người một ngựa, lặng lẽ trước sau, cắm cúi. Ngôi nhà ở phía cuối đường. Một ngôi nhà cũ. Cũ kĩ như cuộc đời của một con người đã trải qua bao dâu bể thăng trầm trồi sụt. Nhưng nó là điểm đến cuối cùng, điểm đến của mọi thân phận, của mọi linh hồn.

Chúng ta sẽ về nhà, và yên ả ngồi trong nó, nhìn qua ô cửa, phía sau lưng là bếp lửa đang cháy, ấm áp, trên bếp lửa có một ấm nước đang sôi. Trên gác bếp, một tảng thịt mà mẹ chúng ta đã sấy từ rất lâu, ám đầy muội khói. Một bó mùi già. Một bó hoa của bụi hành. Một bó ngọn cải có đầy những quả bé xíu căng mẩy… Chúng ta sẽ pha một cốc trà thật nóng, ấp nó trong hai bàn tay gầy guộc lạnh giá, và phảng phất ngửi mùi khói bay lên từ cốc nước. Nói thêm điều này, trong tất cả các loại nước từng uống trên đời, thứ nước mình thích uống nhất là nước suối, đun trên bếp củi, trong những chiếc ấm đen thui mà tuổi đời của nó có thể nhiều hơn cả tuổi đời của mình. Nước ấy thật ngọt, và luôn có mùi khói.

Ngắm một bức tranh, giống như đọc một bài thơ, không bao giờ mình nỗ lực tìm kiếm xem rốt cuộc tác giả định gửi gắm điều gì. Tác giả gửi gắm gì không quan trọng bằng người đọc, người xem cảm thấy gì. Ở đây, là một cảm giác cô đơn buồn bã ngập tràn tâm hồn. Nhưng cũng chính cô đơn buồn bã ấy khiến mình thấy lấp lánh một niềm hạnh phúc bé nhỏ. Nhà, kí ức, là những yêu thương và tha thiết với người, với đời luôn đầy ắp mỗi khi được trở về.

Cảm ơn A Sáng vì đã mang tới một vẻ đẹp, mang tới một kí ức, mang tới một u buồn hạnh phúc, và chúc mừng sinh nhật bạn già!

31/10/2017

Đỗ Bích Thuý