(Góc nhìn văn hóa) – Tranh của A Sáng luôn tĩnh lặng khiến người xem lạc vào trạng thái Thiền. Trong từng bức tranh của anh còn mang theo mùi vị của vùng cao núi rừng.
PV: Từ lâu đã biết đến anh qua những tác phẩm phóng sự báo chí phản ánh mọi góc cạnh trong đời sống xã hội, tôi cũng như nhiều người hoạt động trong lĩnh vực Văn hóa – Văn nghệ rất bất ngờ trước việc anh vẽ tranh và có 40 tác phẩm tranh triển lãm tại Trung tâm Triển lãm Hàng Bài (từ ngày 28/10 – 1/11/2016)….
Họa sỹ Hoàng A Sáng: Đúng là lâu nay bạn bè và đồng nghiệp làm báo vẫn nghĩ tôi được đào tạo một ngành nào đó không liên quan đến hội hoạ. Hơn nữa, sự xuất hiện của tôi đối với mọi người thường xuyên với tư cách là người viết. Tôi làm báo lâu năm, tham gia tổ chức, thực hiện nhiều ấn phẩm báo chí, và cho đến thời điểm hiện tại cũng vậy. Tôi vẫn dành phần lớn thời gian cho công việc làm báo, sống bằng nghề báo, và là một nhà báo chuyên nghiệp! Nhưng thực ra tôi học về mỹ thuật, có kiến thức cơ bản về nghề này.
Trước đây tôi tham gia làm báo với tư cách là hoạ sỹ trình bày, sau một thời gian làm quen với báo chí, tôi bắt đầu tự mầy mò viết thử… Và cứ thế đều đặn viết báo rồi trở thành nhà báo hơn 20 năm nay. Nhưng cũng trong suốt thời gian làm báo dài đằng đẵng này, tôi chưa bao giờ bỏ vẽ – tôi vẽ nhiều thứ: minh hoạ sách báo, thiết kế mỹ thuật… và vẽ tranh sáng tác.
Chưa bao giờ tôi nghỉ công việc yêu thích này. Có điều, đây là công việc tôi coi như một “cõi riêng”, nơi thư giãn, thả mình một cách tự do nhất. Hơn nữa, tôi rất cẩn trọng với hội hoạ, dù vẽ nhiều năm, nhưng tôi cảm thấy chưa thật là mình, chưa có phong cách, cá tính riêng… vì thế tôi chưa công bố tác phẩm của mình.
Mãi đến bây giờ, sau rất nhiều năm kiên trì làm việc, tôi mới nhận ra con người thật trong hội hoạ của mình, cảm thấy đó chính là mình. Tranh của tôi đã không lẫn vào bất cứ hoạ sỹ nào, đep hay xấu tôi không bình luận, nhưng với người làm nghệ thuật, cần phải có cái riêng, không thể lẫn với bất cứ ai. Đây là điều vô cùng quan trọng đối với tôi, cũng là thành quả của nhiều năm làm việc một cách không ngừng nghỉ. Vì thế không còn lý do gì để tôi không tổ chức một cuộc triển lãm cho riêng mình. Hơn 40 tác phẩm này, như một sự chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp về một ASáng khác ngoài nhà báo như mọi người vẫn thường thấy.
PV: Xem qua những tác phẩm hội họa mà anh chuẩn bị triển lãm, tôi cảm nhận thấy mình nhớ đến gia đình, những người thân thuộc đang dành tình cảm cho nhau, trong lòng thấy ấm áp. Điều gì đã khiến anh vẽ lên những bức tranh như thế?
Họa sỹ Hoàng A Sáng: Tôi vốn là người đơn giản, yêu thích những điều nhẹ nhàng, tĩnh lặng. Tôi không phải mẫu người ưa triết lý, đao to búa lớn, hoặc thể hiện cá tính của mình một cách thái quá. Tôi cũng là người yêu gia đình, thích giao du với bạn bè, nặng lòng với cố hương. Thế nên tranh của tôi bộc lộ đúng bản chất của tôi, một cái gì đó ấm cúng, nhẹ nhàng, tĩnh lặng. Tôi thích Thiền vì thế tôi hướng hội hoạ của mình đến sự tĩnh lặng.
Hơn nữa, tôi là người Tày, cái bản chất người miền cao ấy cũng thể hiện rõ trong tranh của tôi. Nó có rực rỡ nhưng vẫn mang một sự yên bình, đơn giản và hoà nhập với thiên nhiên. Nó có dằn vặt, đớn đau nhưng vẫn là sự buông xả không day dứt… Về cơ bản tôi muốn những bức tranh của mình mang đến một điều an lành, trong sang và ấm cúng.
Nói đúng hơn, thì tôi không thể khác được, không cần làm gì đó to tát trong những bức hoạ của mình. Bản chất tôi thế nào hội hoạ của tôi sẽ như thế đó. Đây là điều tôi vô cùng yên tâm, vì cuối cùng tôi cũng đã “trung thực” được với bản thân mình.
PV: Tôi thực sự ấn tượng với bức tranh 3 nhân vật như đang ngủ. Chắc hẳn anh đã phải rất nhiều thời gian, bút lực để vẽ ra nó?
Họa sỹ Hoàng A Sáng: Đó là bức tranh tôi đặt tên là “ngủ”, cái tên trong hội hoạ cũng không quan trọng lắm. Hội hoạ là nghệ thuật của hình thức, ngôn ngữ của nó là đường nét, hình khối, đậm nhạt, màu sắc… thế nên nó đi thẳng vào trái tim người xem mà không đi qua “bộ lọc” là lý trí. Cũng như âm nhạc, đôi khi bạn không biết tiếng Anh, Pháp, Nga… hoặc một ngôn ngữ của dân tộc nào đó, nhưng bạn vẫn bị mê dụ bởi âm nhạc của dân tộc đó, vì cái gọi là giai điệu – ngôn ngữ của âm thanh! Nó đi thẳng đến trái tim và làm bạn rung động.
(Theo Báo Đất Việt)