Tranh của hoạ sĩ Hoàng A Sáng giống như nhạc sóng não Delta, làm ta muốn chìm sâu vào thiền, vào trống không. Mọi ý nghĩ như được gột rửa, buông bỏ, và ta bất chợt nhìn thấy cốt lõi thẳm sâu trong mình.
Hoa sĩ Hoàng A Sáng kể rằng, anh không định kể chuyện gì rắc rối trên tranh. Anh cũng chẳng chủ trương đổi mới hay cách tân gì hết. Không theo đuổi trường phái này nọ. Không bị lệ vào bất cứ lý thuyết nghệ thuật nào. Anh đơn giản là vẽ những gì trong mình. Đó là cuộc đi vào trong, nhìn sâu sắc vào bên trong, sau khi tất cả sự nhìn ra ngoài đã biến mất.
Thời trẻ tuổi hơn, Sáng cũng từng “đủ trò” với hội họa. Đuổi theo cái mới này, cái mới kia. Vẽ “ngáo ộp” cũng có. Thích một sự căng thẳng, ấn tượng, muốn gây ép-phê với chính mình, với người xem. Nhưng con đường dài 20 năm âm thầm vẽ tranh và kiếm sống bằng nghề báo đã giúp Sáng nhận ra rằng mọi thứ mình cố trong nghệ thuật không mang đến điều gì ngoài sự thất vọng. Nghệ thuật phải là điều gì đó tự nhiên, một thứ suối nguồn tuôn chảy bên trong người nghệ sĩ. Nghệ thuật chỉ đến với người nào đó khi anh ta không cố để trở thành nghệ sĩ.
A Sáng quả quyết rằng, người họa sĩ và tranh của họ phải đồng nhất, phải là một mà không thể là hai. Nếu tác phẩm và người nghệ sĩ không là một, thì đó chỉ là họ đang hướng ra ngoài, đang trình diễn. Họ nhìn vào đám đông và cung cấp thứ nghệ thuật thỏa mãn đám đông.
Không ít lần Sáng đi xem triển lãm tranh của bạn bè về và suy ngẫm. Anh thấy rằng, tác phẩm và tác giả không hề đồng nhất. Người họa sĩ đang cố làm một điều gì đó khác mình. Họ đuổi theo một xu hướng nào đó. Họ dùng đầu óc tỉnh táo để hướng đến đám đông, và vẽ trong mong muốn có được đám đông đó. Và cho dù triển lãm đông vui, công chúng thấy lạ, truyền thông được mời rầm rộ, báo chí đưa tin, nhưng Sáng chắc chắn một điều rằng người họa sĩ khi tự đối diện với mình họ sẽ thất vọng. Họ không biết họ thực sự là thế nào. Họ đang đi phía ngoài mà chưa thực sự bước vào trong, chưa nhìn thấy cái cốt lõi của mình.
Bởi theo Thiền, học Thiền nên A Sáng tin rằng mỗi con người đều có một cái “nhân”, được hình thành qua nhiều kiếp sống. Nó giống như viên ngọc nằm sâu trong lòng con trai dưới đáy biển. Để nhìn thấy viên ngọc đó, người ta phải biết gạt bỏ cái bên ngoài, làm một cuộc hành trình khó khăn để tìm phía bên trong, phía không có ánh sáng, phía nhiều bóng tối, phía không có “niềm vui giả tạo”, mà chỉ có “nỗi buồn đích thực”.
Một số tác phẩm Thiền của hoạ sĩ Hoàng A Sáng: