Triết học và sự thất bại của một cuộc tình

(Chia sẻ nhỏ, của một con người nhỏ…)

… Thời sinh viên hẳn các bạn vẫn nhớ sợ môn triết học đến thế nào – tất nhiên là môn triết học “Mac-Lê”. Sợ bởi nó quá khô cứng, quá bí ẩn, quá khó khăn… để cả thầy và trò có một giờ học thoải mái.

Những thuật ngữ được dùng trong môn học đó nó to tát, phức tạp, lằng nhằng hơn cả tơ nhện… đến nỗi mỗi khi nghĩ đến nó thì tôi nghĩ ngay đến thánh thần! Và rồi tôi lại nhìn những ông thầy dạy môn đó như những vị đạo sỹ rất chi là “tối cao”. Tự nhiên, trong tôi dâng lên một sự KÍNH TRỌNG SÂU SẮC mà không hề biết nguyên nhân thật sự là từ đâu…

Rồi một lần vô tình – chỉ vô tình thôi – tôi bắt gặp bà vợ của ông thầy dạy triết ấy đã “dạy” chồng mình một cách hết sức chợ búa, tầm thường… nói chính xác là một cuộc “đụng độ” kiểu gia đình. Ông thầy của tôi te tua không còn mảng “giáp” che thân.

Tôi bấm bụng kính trọng thầy hơn và nghĩ: những người theo triết học luôn bị thiệt thòi trong đời sống thường nhật. Họ quá cao siêu nên vụng về với đời sống tầm thường. Thật thương cho thầy!
Cũng từ đó tôi bắt đầu tập nhìn đời bằng con mắt triết học, cũng bắt đầu tiếp cận mọi thứ hết sức cẩn trọng, tỉ mỉ… Lúc nào cũng lo lắng với những gì diễn ra xung quanh.

Mỗi dịp về hè tôi bắt đầu nhìn dòng sông ở bản Pác Thay rất khác, tự nghĩ rằng nó chảy lòng vòng như vậy là chảy theo kiểu triết học, mấy ngọn núi kia thấp cao, lô xô, nhấp nhô… là cũng mọc theo lối triết học, những ngôi nhà sàn xập xệ, ngang dọc, đổ nát, te tua kia cũng là được sắp xếp theo ý niệm triết học he he…

Và cuối cùng tôi thấy bầu vú của chị Lành – người phụ nữ tôi mê tít thời trẻ trâu kia dài lòng thòng là quá trình chuyển hóa mang tính triết học…

Cứ thế và cứ thế… cái đầu vốn non nớt, trẻ trung, đơn giản của tôi bắt đầu nhiễm thói phức tạp. Chính cái sự phức tạp đó khiến tôi lỡ mất một cuộc tình đẹp! Đó là cô gái tôi mê đắm từ thời phổ thông. Đáng ra với sự đơn giản vố có của mình, tôi sẽ tiến đến nắm lấy tay cô ấy, nhìn vào mắt cô ấy nói dõng dạc: TÔI YÊU BẠN! TÔI MUỐN NGỦ VỚI BẠN! TÔI MUỐN BẠN LÀM VỢ TÔI… nếu cô ấy đồng ý tôi sẽ bế thốc cô ấy và chạy một mạch lên núi. Nếu cô ấy lắc đầu thì tôi sẽ nói: Cảm ơn bạn đã lắng nghe, ít nhất bạn cảm nhận được tình yêu của tôi.

Thế nhưng, vì đã nhiễm thói quen phức tạp theo kiểu triến học lằng nhằng tơ nhện, tôi đã không dám nói những điều đơn giản thế. Tôi nghĩ đó là cách tiếp cận thô thiển, nông dân, đần độn, hoặc rất là dơ diếc gì đó. Phải có một cách ngỏ lời thật tinh tế – đến mức hơn cả triết học, hoặc lòng vòng như dòng sông ở bản Pác Thay. Hoặc, phải chinh phục cô ấy bằng sự nghiệp chói lọi của chính mình như kiểu đại soái ca mang tầm triết học…

Thế là tôi chờ đợi, quan sát, suy nghiệm… rồi tự nhận định, tổng kết và tính toán như một quá trình hình thành và phát triển kiểu triết học…

Nhưng độp một phát! Cô ấy lấy chồng! Đám cưới cô ấy diễn ra rất đơn giản, nhanh chóng… khiến cho toàn bộ ý niệm về sự ngỏ lời của tôi bấy lâu tan tành nhanh hơn hơi thở của người leo núi.

Đó là thất bại cay đắng đầu tiên và nhớ mãi của tôi về ý niệm triết học, về cái kiểu tiếp cận lằng nhằng hơn cả tơ nhện. Sau này tôi tự rút kinh nghiệm, dần dần tiếp cận mọi thứ đơn giản hơn.

Đến bây giờ đã hơn 40 tuổi, thì tôi hoàn toàn thoải mái với sự giản đơn của chính mình. Tất nhiên tôi vẫn tôn trọng một cách sâu sắc với Triết học và những ai sống trong tư duy triết học. Nhưng tôi chỉ đứng ngoài, không cổ vũ, không bài trừ…

Tôi sẽ sống đơn giản như mùa đông: gió sẽ đến mang theo hơi lạnh, hãy đốt chút củi để ấm lên, đơn giản như thế.

Đừng phức tạp điều gì, nếu không chúng ta sẽ bỏ lỡ ngàn lẻ thứ mà không hề biết.