CHA!

Ngày bé mỗi lần theo cha lên nương tôi luôn tự hỏi: sao cha mình không chán ruộng nương!? Đó là câu hỏi rất bình thường của những đứa trẻ nông dân như tôi. Trời thì rét, đất cứng như đá, còn đá thì lạnh đến sắc lẹm… Cha tôi cứ lúi húi đi trước, nhẫn nại đặt từng nhát cuốc, cẩn thận vần từng hòn đá, gió phương Bắc lạnh như gai đâm khiến tấm lưng rộng lớn của cha khô khốc và nứt toác… Còn tôi thì cáu bẳn theo sau, dùng thanh gỗ nhỏ và nghiến răng đập những hòn đất rắn đanh để nó vụn ra… như thế người Tày gọi là làm đất chuẩn bị sau Tết sẽ trỉa ngô, trồng sắn…

 

 

Dù không thích nhưng tôi vẫn phải theo cha vào những ngày giáp Tết lên nương. Thỉnh thoảng tôi có “chống đối” bằng cách vùng vằng, rên rỉ, hoặc đứng trơ trơ nhìn về phía chợ xa xa dưới chân đồi…

Ở đó không khí Tết đã gần lắm rồi, tiếng pháo tép đổ đì đẹt, vài đứa bạn đã khoe áo mới, rồi thì những chiếc xe từ dưới xuôi lên bán hàng Tết, nào bánh kẹo, hoa quả… lung linh hấp dẫn! Dưới chợ là một sức hút ghê gớm, nó cứ kéo tôi ra khỏi đám nương nhàm chán này. Nhiều lúc tôi muốn chạy biến đi, mặc cho cha mình trên nương, chấp nhận buổi tối ăn một trận đòn!

 

 

Cha tôi có lẽ hơn ai hết cảm nhận rõ tâm lý của tôi lúc này. Ông khẽ vỗ vai tôi rồi nói: Thôi! Cố hết ngày hôm nay, làm xong đám nương này thì nghỉ Tết. Gần xong rồi!

Được thể tôi òa khóc! Tức tưởi khóc! Như thể mình là tên tù khổ sai sắp được giải phóng!

Cha tôi chỉ khẽ lắc đầu rồi lại lầm lũi làm việc, vẫn tấm lưng to lớn khô khốc và nứt toác. Khóc chán, tôi cũng phải làm việc, bàn tay bé nhỏ và cái khúc gỗ bé nhỏ cứ thế nhẫn nại đập từng hòn đất cho đến khi xong đám nương nhàm chán đó.

Đất khô nên bụi mù, bám đầy quần áo, chui sâu vào lỗ mũi, tôi nhớ rất rõ cái mùi đất khô gần Tết này: hanh đặc, khó chịu, lạnh buốt…
….

 

Bây giờ sau hơn 20 năm, mỗi lần về quê ăn Tết, tôi vẫn ra đám nương ngày xưa ấy. Cha đã về với tổ tiên, nhưng tôi vẫn có cảm giác rành rọt về tấm lưng nứt toác, nụ cười có cái răng vàng, và thật kỳ lạ tôi rất muốn hít hà cái mùi đất khô mùa lạnh này.

Chỉ đến bây giờ tôi mới hiểu tại sao cha tôi không bao giờ chán ruộng nương! Chỉ đến bây giờ, sau quá nhiều “bầm dập” và chính bản thân mình được làm cha thì sẽ thấu hiểu tại sao và tại sao người lớn yêu lao động đến quên mình!

Đôi ơn cha – đội ơn cánh đồng – đội ơn núi đồi – đội ơn sự lao động bền bỉ của tổ tiên người Tày… Để cho đứa bé hoang dại này biết giá trị đích thực của lao động!

A Sáng