Nhìn từ xa và thấy những điều mới mẻ!

Cha và con

Thời gian gần đây cái máy phờ – lai – cam xuất hiện nhiều, ở đâu cũng thấy người ta quay cảnh trên cao, sự kiện nào cũng muốn có cái nhìn “bao trùm” ấy… Nó thật đẹp, khác lạ, vượt qua giới hạn của góc nhìn hẹp thường lệ.

Bỗng nhiên tôi nhớ ngày bé cùng vài cậu bạn trong bản leo lên một ngọn núi có tên “phja rạc”, nôm na là ngọn núi xẻ đôi. Đó là một ngọn núi cao nhất vùng người Tày quê tôi, nó gắn liền nhiều huyền thoại, đặc biệt nhất là câu chuyện về quân Mông Cổ bị chết hàng loạt dưới chân núi vì uống phải mạch nước độc. Và câu chuyện gần nhất là vào năm 1979 cả một bản người Tày chạy Tàu trú ngụ trong cái khe nứt của ngọn núi, không may trúng một phát đạn pháo chết gần hết… Rồi người ta đồn đại vào những ngày mưa phùn gió bấc vẫn nghe thấy những âm thanh kỳ lạ phát ra từ khe nứt của của núi.

Khi chúng tôi leo đến đỉnh ngọn núi, tất cả reo lên sung sướng! Lần đầu tiên được nhìn cả bản mình từ trên cao, lần đầu tiên thấy cánh đồng đẹp đến thế, dòng sông uốn lượn điệu đà đến thế, những mái ngói âm dương ấm áp đến thế, con đường dẫn vào bản duyên dáng đến thế…

Trong đám bạn tôi có thằng Chén Mày, nó là thằng cục cằn, có lối sống tiêu cực vì hoàn cảnh éo le của nhà nó. Bố nó bỏ đi từ khi anh em nhà nó mới lọt lòng, mẹ nó nuôi con một mình vất vả, tần tảo, khốn khó nên hay la mắng và cay đắng với cuộc đời! Căn nhà nó tồi tàn vì lâu ngày không được sửa sang, mái ngói rụng gần hết, sàn nhà sập một nửa, ngày mưa thì không đun nổi lửa, ngày rét thì dùng rơm lót để ngủ… Nó vẫn làu bàu với tôi: “Tao chán nhà tao, bẩn thỉu, hỏng hóc… Tao chán luôn cả cái bản này, toàn phân trâu trộn với bùn, tao sợ mẹ tao vì lúc nào cũng la mắng… Lớn lên tí nữa tao sẽ vào Nam tìm bố, tao sẽ ra đi và không bao giờ quay về cái bản này!” Nó cứ sống lì lợm, hay gây gổ, thích đánh nhau, đi chợ lúc nào cũng giắt một con dao vào cạp quần và hằm hè oánh nhau với bất cứ ai làm nó ngứa mắt!

Thật may cái hôm leo núi đó, nó chán đời nên cũng đi theo. Tôi nhớ mãi khuôn mặt vốn lì lợm của nó đã rạng rỡ thế nào khi nhìn từ trên cao, nó hào hứng chỉ: “Kìa kìa nhà tao kìa!”

Bấy giờ, cái mái nhà sập một nửa của nó e ấp nép sau một cây lê già đang lấp ló nở những nụ hoa trắng đầu tiên. Căn nhà vốn xấu xí khi nhìn từ góc hẹp, tự nhiên hiện ra cực kỳ lạ mắt: duyên dáng, ấm áp, nhẹ nhàng, nửa cầu kỳ (vì nham nhở), nửa giản đơn (vì sập mất nửa mái ngói âm dương), thêm cây lê già làm tiền cảnh càng trở nên ấn tượng vô cùng. Cũng đúng lúc đó người mẹ khốn khó của nó đang lúi húi trong vườn. Dáng người bé tí, di chuyển chậm chạp đó khiến tất cả chúng tôi nhìn mãi không thôi!

***
Hôm sau, mới sáng sớm, tôi thấy thằng Chén Mày hớn hở vác hai cây tre từ sườn núi xuống, mặt nó bớt lì lơm, miệng nó mỉm cười… Thấy lạ tôi hỏi: “Mày vác tre về làm gì?” Nó nhoẻn cười rồi nói: “Tao sửa cái mái nhà!”

Có lẽ chúng ta nên chịu khó nhìn mọi thứ từ trên cao, hay nhìn bao trùm, hoặc nhìn khái quát… mọi chuyện sẽ khác. Thật đấy!

15/11/2017

A Sáng