Rong chơi cùng “Miền A Sáng”

Rời non nước Cao Bằng xanh trong xuống Thủ đô, Hoàng A Sáng không chỉ có duyên với nghề báo, có duyên với nghiệp viết lách với những truyện ngắn, tản văn hay, đa dạng mà còn được trở về với đam mê luôn ám ảnh trong tâm hồn mình. Đó là thả hồn chiêm đắm trong những nét vẽ, tạo nên những bức tranh có màu sắc riêng mình.

Là đứa con dân tộc luôn đau đáu yêu thương nhớ về cội nguồn, A Sáng luôn tìm tòi cách thể hiện bản sắc của quê hương trong những bức tranh của mình. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu tiên, điều đó không hề dễ dàng. Bởi là người nghệ sĩ nói chung, người họa sĩ nói riêng luôn đòi hỏi sự sáng tạo, không chỉ trong kĩ thuật mà còn phải chứa đựng cái riêng của chính mình.

Hành trình khổ luyện để thấy được bản sắc riêng mình ấy, anh phải mất 15 năm. Ban ngày quay cuồng trong guồng quay của đời sống thường nhật, đêm về lại mải miết vẽ. Vẽ rồi thất vọng, rồi đau đáu, rồi lại vẽ và vẽ. Vẽ tranh trở thành thói quen, là sự thôi thúc, là mê dụ. Đến độ chín, như con tằm nhả tơ óng ánh khiến người ta phải ngỡ ngàng.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: “Mỗi lần đứng trước các tác phẩm của Hoàng A Sáng, tôi thường tự hỏi: những bức tranh của Hoàng A Sáng đi qua tôi hay tôi đang đi qua thế giới những bức tranh của anh? Tôi thực sự không rành mạch trong câu trả lời của mình. Nhưng cảm giác rõ nhất của tôi về thế giới những bức tranh ấy là nó chỉ thuộc về anh và không thể thuộc về một ai khác. Một thế giới của màu sắc Hoàng A Sáng: rực rỡ nhưng chìm sâu, của đường nét Hoàng A Sáng: mạnh mẽ nhưng run rẩy, của những nhân vật Hoàng A Sáng: tĩnh lặng nhưng cô đơn và khắc khoải”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu tại buổi Khai mạc triển lãm Miền A Sáng

Họa sĩ Thành Chương, người thầy đã dìu dắt, nâng đỡ A Sáng trong cuộc sống, trong nghệ thuật đã có những chia sẻ rất tình về duyên gặp gỡ với học trò và những tác phẩm của họa sĩ trẻ người Tày. Lần đầu tiên họa sĩ Thành Chương biết đến A Sáng là khi anh mới chập chững vào làm việc tại báo Văn nghệ, còn ông đã là một một họa sĩ có tên tuổi. Khi A Sáng ngồi trên chiếc ghế quen thuộc mà họa sĩ Thành Chương vẫn hay ngồi, ông đã nói: “Cậu là ai, sao lại ngồi ghế của tôi?”. A Sáng liền nói: “Đây ghế của chú ạ” rồi chuyển ngồi ghế khác. Giọng nói ngây thơ, ánh mắt ngước nhìn ngỡ ngàng của A Sáng gây ấn tượng mạnh với ông bởi sự chất phác, mộc mạc. Rồi sau này, trở thành người thầy, người thân giao của nhau rồi, trong chặng đường sáng tác hội họa đầu tiên của học trò, chính ông cũng cảm thấy “khó khăn”. Nhưng bằng trăn trở, âm thầm khổ luyện, Hoàng A Sáng đã đem đến cho ông sự ngỡ ngàng, sửng sốt bởi những bức tranh của A Sáng đã chứa đựng rất nhiều cảm xúc và giá trị nghệ thuật độc đáo .

Họa sĩ Thành Chương chia sẻ: “Đầu lúc nào cũng ong ong trăn trở. A Sáng là ai? Nghệ thuật của A Sáng là gì? Và rồi chợt sửng sốt ngỡ ngàng trước một “Miền A Sáng” đầy tràn những cảm xúc đắm say, đớn đau, ngây ngất với đàn bà. Rần rật trong máu với miền rừng sáng trong, hồn nhiên chân chất. Bí ẩn, thâm trầm, vi diệu với cõi thần phật linh thiêng. Tất cả ào ạt tuôn trào, hòa quyện thành nơi chốn tạo hình lung linh đẹp đẽ. Một miền nghệ thuật hội họa rất độc đáo, rất riêng mang tên “Miền A Sáng”.

Diễn viên, đạo diễn chèo Lương Tử Đức cũng là một thành viên trong nhóm Nhân sĩ Hà Đông – đã truyền đạt những kiến thức về nghệ thuật, có ảnh hưởng tới con đường của họa sĩ A Sáng, bày tỏ sự thích thú, kinh ngạc trước một cá tính, một cái chất rất riêng của người con núi rừng: trong sáng, hồn nhiên, vui vẻ, hồn hậu, nhiệt tình… Ông đánh giá cao những tác phẩm hội họa của A Sáng. Đây không đơn thuần chỉ là “cuộc chơi” trong nghề họa sĩ như Hoàng A Sáng đã từng khiêm tốn, khép mình nói, mà những tác phẩm thể hiện cái tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật, thể hiện tình yêu, cảm xúc về con người, về cuộc đời, về bản sắc dân tộc. Tất cả những đau đáu khổ công ấy không thể gọi là “chơi” được. Vì từ trong đó, nó chứa đựng cả thế giới vũ trụ, cả một miền riêng không trộn lẫn của họa sĩ Hoàng A Sáng.

Nhà thơ, họa sĩ Trần Nhương nói rằng: Những bức tranh của A Sáng thực sự hay, độc đáo, nó là sự pha trộn giữa cách thể hiện hiện đại với tinh thần dân tộc, nó chứa đựng nét riêng biệt, mới lạ của tác giả. Ví dụ: Sen là biểu tượng của tâm hồn người Việt nói chung, ở quê hương tác giả sen không phải loài hoa phổ biến và biểu trưng nhưng tác giả lại thể hiện nó sống động, chứng tỏ được sự hòa nhập với bản sắc chung của người Việt Nam, nhưng vẫn chứa đựng bản sắc vùng cao ở những chi tiết về cây cối, cảnh vật, núi non, hoa lá, con người, ngựa… miền núi rừng. Hay trong một bức tranh về tọa thiền, tác giả đã vẽ nên bức tranh chứa đựng sự thanh tịnh, liêng thiêng nói chung, vẫn chứa đựng màu sắc riêng của mình. Vẽ tranh về thiền, thông thường người ta chọn màu sắc u tối, trầm buồn tĩnh lặng, A Sáng chọn những màu nổi bật, rực rỡ mà bức tranh vẫn chứa đựng nét linh thiêng.

Họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ thì chia sẻ, tranh A Sáng vẫn là tranh hiện thực đấy, nhưng là ở tầm cao hơn vì đã chứa đựng nhiều tâm tư, ý nghĩa và giá trị tinh thần, bản sắc của riêng anh và dân tộc anh.

Bản thân họa sĩ Hoàng A Sáng chia sẻ: Anh rất vui mừng vì có thể biến mong ước thành hiện thực là trưng bày những tác phẩm ưng ý của riêng mình thành một triển lãm và được mọi người đón nhận, đánh giá cao. Vẽ luôn là đam mê chính luôn cháy trong con người anh. Anh cảm ơn những ngươi thầy, người anh, người bạn đã yêu thương, quan tâm, chỉ dắt, cảm ơn gia đình lớn luôn bên cạnh động viên hỗ trợ tinh thần, người vợ đồng hành và hai “nàng công chúa nhỏ” là niềm cảm hứng bất tận trong những sáng tác của mình.

Những bức tranh trong “Miền A Sáng” khiến nhiều người giật mình, sửng sốt; cảm giác như tan chảy vào cõi riêng, miền riêng vừa chứa đựng sự bí ẩn của những hoa lá sen, của thiền, của phật, vừa là thế giới của rừng núi xanh cao hoang sơ với những con người hồn hậu đượm đà…

IMG 4540

IMG 4558

IMG 4552

IMG 4555

IMG 4556

IMG 4550

IMG 4551

IMG 4567

HIÊN NGỌC
Ảnh: Vũ Thành Duy

(Tạp chí Văn nghệ Quân đội)