QĐND – A Sáng là một trong những người bạn miền núi thân thiết nhất của tôi.
Tôi không nhớ bọn tôi quen nhau trong trường hợp nào, nhưng có lẽ như nhiều bạn viết khác, bọn tôi biết tên nhau trước khi biết mặt, rồi trở nên quen, rồi thân. A Sáng có một người thầy trong lĩnh vực hội họa là họa sĩ Thành Chương. Ông Thành Chương có nói một câu về A Sáng mà ai nghe cũng thấy buồn cười, nhưng cũng thấy đúng. Đó là: “A Sáng là một anh Tày rất Kinh”. Một câu ấy hàm chứa rất nhiều ý nghĩa về chân dung A Sáng.
Họa sĩ Hoàng A Sáng |
A Sáng viết văn, làm báo, vẽ tranh, có thời còn tham gia viết kịch bản phim truyền hình dài tập… đủ cả. Tôi đồ rằng, dù làm gì thì với A Sáng, cái đầu tiên chính là vì mục đích mưu sinh, sau đó mới là một điều gì lớn hơn. Sáng từ Cao Bằng về Hà Nội, đúng nghĩa hai bàn tay trắng. Sáng là dân chuyên Toán, học chuyên Toán ở Cao Bằng. Nếu là trước kia thì tôi ngạc nhiên lắm, nhưng giờ thì thấy cũng bình thường, vì đã gặp rất nhiều văn nghệ sĩ từng học chuyên khối A. Tôi còn nhớ như in cái vẻ mặt khôi hài của A Sáng khi anh kể ngày xách túi về Hà Nội dự thi vào Trường Đại học Mỹ thuật. Sáng đi tìm thầy. Tìm được rồi, buổi đầu tiên thầy hỏi: Thế cậu mang theo gì, cho tôi xem? Sáng thật thà lục túi, lấy ra một nắm… bút chì. Thầy nhìn nắm bút chì màu mà Sáng vừa chìa ra, cười phá lên. Thế rồi Sáng cũng học hành như ai, cũng vừa học vừa vác đồ nghề ra công viên, vườn hoa, hồ nước… vẽ đủ thứ trên đời. Rồi Sáng quay về Cao Bằng, “nhảy” vào Báo Cao Bằng làm họa sĩ trình bày báo. Thôi thì ít nhiều cũng còn được làm nghề. Lại còn làm người nhà nước hẳn hoi. Mẹ Sáng mừng lắm. Cả họ mừng thì đúng hơn. Nhưng Sáng đâu có chịu ngồi yên kẻ kẻ vẽ vẽ mấy trang báo. Sáng lọ mọ viết… truyện ngắn. Cái truyện đầu tiên, Sáng không dám ghi tên thật. Khi truyện in ra, cả tòa soạn nháo nhác hỏi nhau xem rốt cuộc tác giả mới toanh này là ai, rồi đến cái đoạn ngã ngửa vì “ông nhà văn” này chính là “ông” Hoàng A Sáng mặt non choẹt ngày ngày ngồi cặm cụi trình bày báo ở một góc tòa soạn, ai hỏi đến thì vâng, dạ, cười rất hiền, rất thật thà, thậm chí còn có cái vẻ ngây ngô nữa.
Viết một thời gian, Sáng đánh liều gửi truyện ngắn về Báo Văn nghệ Trẻ. Báo Văn nghệ Trẻ thời ấy đình đám lắm. Phát hiện hàng loạt tên tuổi mới, là bệ phóng cho hàng loạt tác giả trẻ ở khắp mọi miền. Lúc này Sáng mới dùng tên cha sinh mẹ đẻ. Một tác giả trẻ, người dân tộc Tày, mãi tít Cao Bằng gửi truyện về, ban biên tập phấn khởi lắm.
Tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng |
Sáng quyết định làm một cuộc quay đầu lần hai về Hà Nội. Lúc này Sáng đã lấy vợ, còn có một cô con gái nhỏ. Vợ chồng thuê căn nhà nhỏ tí xíu ngoài đê sông Hồng. Sáng đầu quân cho Báo Văn nghệ Trẻ, chính cái tờ báo đã nâng đỡ những bước chân văn chương đầu tiên của Sáng ở Thủ đô. Nhưng cuộc sống thực sự không phải là một phép tính cộng trừ đơn giản, vợ chồng Sáng sống vô cùng khó khăn. Ông anh trai từ Cao Bằng phi xuống, thấy em ăn ở chui rúc nóng nực chật chội, con lại còn đang đỏ hỏn, ông nhất định túm cổ thằng em lôi về. Nhà cửa ở quê thiếu gì, đất đai thừa mứa, công việc cũng sẵn có, hà cớ gì mà mày lôi hết cả vợ con về đây ăn ở khốn khổ thế này? Nhưng rốt cuộc, ông anh cũng đành chịu thua vì A Sáng đã nhất quyết phải lập nghiệp ở Hà Nội. Loài chim có sải cánh dài nhất định phải bay trên những bầu trời rộng lớn.
Sáng là người có khả năng thích nghi cực kỳ tốt. Tôi nghĩ có lẽ đây cũng là tố chất chung của những người miền núi. Họ đã quyết chí làm gì là nhất định sẽ làm bằng được. Không thành danh cũng thành nhân. Và trong hoàn cảnh nào cũng sống được, tồn tại được. Khó khăn nào cũng không gục ngã, luôn nỗ lực với một ý chí phi thường. Sáng thích nghi rất nhanh với công việc làm báo. Sáng nhảy sang làm cho một tờ báo “hot” vào bậc nhất thị trường bấy giờ, là tờ An ninh Thế giới, rồi tiếp sau đó là Cảnh sát toàn cầu. Sau đó nữa, Sáng là người đầu tiên xây dựng gần như cùng lúc hai ấn phẩm phụ của hai tờ báo, tên là Người giữ lửa và Tuổi trẻ & Đời sống. Hai tờ này chiếm lĩnh thị trường rất nhanh sau khi ra mắt. Cho đến tận lúc này, những ngày tháng 6 của năm 2021, không một tờ báo nào không đứng trước những khó khăn bậc nhất là giảm đến báo động số lượng phát hành thì Tuổi trẻ & Đời sống vẫn đang tồn tại, một cách độc lập và bền bỉ. Không thể không kể đến người nắm giữ linh hồn tờ báo là Hoàng A Sáng.
Sáng vẽ tranh. Một ngày Sáng triển lãm cá nhân “Miền A Sáng”, rồi “Miền A Sáng 2”. Sáng làm cho tất cả chúng tôi, những bạn bè văn chương, và có lẽ không loại trừ cả bạn bè hội họa, kinh ngạc. Sáng đã lặng lẽ lao động trong lúc nào đó, với một nỗ lực phi thường. Tôi có nhiều bạn bè là họa sĩ, tôi đã chứng kiến họ lao động, và tôi biết đó là một loại hình đòi hỏi ở người nghệ sĩ rất nhiều năng lượng và cảm xúc. Không có sức khỏe không vẽ được, vì anh ta có thể phải đứng 3-4 tiếng đồng hồ liên tục. Không đủ cảm xúc không vẽ được, vì bàn tay cầm cọ không phải chỉ là việc nhúng sơn và quét. Hơn thế, không có tài không vẽ được. Người ta nói, với nghệ thuật, chỉ 1% là tài năng, 99% là do nỗ lực. Điều đó cho thấy lao động nghệ thuật là lao động cực kỳ vất vả, nhưng cũng cho thấy, nếu không có chỉ 1% kia thôi, thì vứt đi. Anh có miệt mài vẽ suốt cuộc đời cũng sẽ không có một bức tranh nào được công chúng nhớ đến. Sáng có 1% ấy. Giời cho Sáng 1% để vẽ, giời cũng cho Sáng 1% để viết văn.
Tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng |
Sáng viết văn như chơi. Như một cuộc rong chơi của chữ nghĩa, của tư duy, của hồi ức. Sáng đắm đuối với vùng đất mà anh được sinh ra-bản Pác Thay (Trùng Khánh, Cao Bằng). Chúng tôi có một buổi tinh mơ vào Pác Thay. Sáng bảo tôi: Đàn ông sinh ra ở Pác Thay, lớn lên chỉ trở thành hai loại người, hoặc thằng nghiện, hoặc nhà thơ. Cái bản Pác Thay của A Sáng đẹp như một bức tranh. Con sông Bắc Vọng như một dải lụa biếc, mượt mà uốn giữa cánh đồng bằng phẳng. Đầu làng có một cây cầu, cuối làng lại một cây cầu. Đầu làng một cây đa, cuối làng một cây gạo. Những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi, cũ kỹ và hiền lành, nằm yên dưới chân núi, nhìn ra cánh đồng. Một ngôi làng như vậy, những buổi sáng tinh mơ đầy sương, nắng như mật phủ tràn trên những thửa ruộng óng vàng thơm lừng… hẳn nhiên sẽ sinh ra những nhà thơ, hoặc ít ra cũng mang tâm hồn của một nhà thơ. Nhưng Pác Thay cũng tràn ngập con nghiện, thậm chí có cả một trại cai nghiện nằm ở cuối làng, phía gần đường biên. Sáng yêu đắm đuối ngôi làng ấy. Mỗi lần từ Hà Nội về làng, Sáng như là một Sáng khác. Rạng rỡ và nồng nhiệt, chất phác và hoang dã. Sáng nhảy xuống thửa ruộng nơi bà thím đã gần 80 của anh đang cào những vạt lúa vừa gặt trên tấm cót trải kín mặt ruộng, moi ví ra, dúi tiền vào tay bà. Bà thím cười sảng khoái, khoe nguyên hàm răng cái còn cái mất. Khi nhìn Sáng ở Pác Thay, hòa lẫn vào Pác Thay như một tia mặt trời, tôi đã thấu hiểu rõ nhất vì sao trong văn chương cũng như hội họa của Sáng luôn nhức nhối một khao khát quay về. Pác Thay, bóng dáng của nó, linh hồn và hơi thở của nó, thấm đẫm trong từng trang, từng dòng, từng chữ của Sáng. Giờ, nó đang thấm đẫm trong tranh của Sáng. Những thửa ruộng vàng mềm mại mịn màng, no đủ và ấm áp; những chiều tà và bình minh, mẹ từ làng ra đồng hay từ chợ phiên về nhà, những chú ngựa với cái bờm đẹp đẽ mơ mộng; những thiếu phụ với bộ ngực đồ sộ no đủ… A Sáng đấy, luôn đầy ắp những ước vọng về một quê hương yêu dấu thanh bình.
Rồi Sáng vẽ sen. Có lẽ chính anh cũng không nhớ nổi mình đã vẽ bao nhiêu bức sen trong những năm tháng qua. Sen của Sáng lúc nào cũng rực sáng y như cái tên của người họa sĩ. Rạng rỡ và tinh khôi, khoan hòa và điềm tĩnh. Ngắm sen của Sáng thấy niềm thương yêu đến đắm đuối vào cuộc đời này. Tôi bảo Sáng, trước sen của cậu, ai cũng có thể nghĩ đến việc treo nó trong phòng khách. Bước chân vào phòng, nhìn thấy bức tranh, tự dưng lòng dạ thấy bình yên lại, cho dù vừa mới gặp bao nhiêu trắc trở bên ngoài khung cửa kia. Thấy như có một ngọn gió thanh mát vào buổi sớm mai, và mùi hương dịu nhẹ tinh khôi đang len lỏi khắp căn phòng. Sáng cười, hiền lành và thoải mái, hơi nhút nhát nhưng cũng đầy kiêu hãnh.
Đấy là A Sáng, người nghệ sĩ Tày từ bản Pác Thay.
Ký chân dung của ĐỖ BÍCH THÚY
Bài đăng trên Quân đội Nhân dân