Cuốn tự truyện của người Tày- Hoàng A Sáng!

Tôi không có cơ duyên được học và hiểu về hội hoạ một cách bài bản và hệ thống. Tôi không có kiến thức lý thuyết về hội hoạ như bao người Việt Nam thế hệ 7X. Tôi chỉ cảm hội hoạ bằng trực giác và bằng những gì đầy bản năng. Vậy mà, mỗi khi ngắm một bức tranh mới của A Sáng, lòng tôi tràn ngập một cảm giác bình an. Năng lượng yêu thương, an lành, sự thánh thiện tràn đầy trong tôi khi mắt tôi dừng lại ở những bức tranh của hoạ sĩ người Tày này.

Thi thoảng, A Sáng hào phóng để những người bạn Facebook của anh được mãn nhãn trong cả seri tranh anh vẽ. Tôi nhìn thấy ngập tràn tình yêu, ngập tràn ánh sáng, ngập tràn an lành và lòng biết ơn trong những bức vẽ của anh. Tôi nhìn thấy mọi vật trong tranh anh đang hát ca nhảy múa khúc ca tình yêu. Rất động mà lại vô cùng tĩnh lặng. Tĩnh lặng một cách lạ kỳ. Những bức vẽ dường như rất giống nhau, cùng một phong cách mà lại thật khác biệt. Không bức nào giống bức nào ngoại trừ đều khơi nguồn cảm xúc yên lành, bình an tự tại từ những người có cơ duyên từng một lần được ngắm tranh anh vẽ. Mỗi lần ngắm tranh A Sáng vẽ, tôi thấy mình mọc thêm đôi cánh thần tiên và bay lên. Một cảm giác bồng bềnh thật thi vị!

Xem tranh A Sáng vẽ, đọc những tút con con A Sáng viết trên Facebook về những người thân yêu, tôi thật sự mong đợi cuốn sách của anh. “An trú trong yêu thương”- chỉ là tên sách thôi đã hứa hẹn cho độc giả trải nghiệm cảm giác bình yên và đầy thương yêu!

Tôi phi ra Đinh Lễ lần thứ 3, lục tung các nhà sách quen mới mua được cuốn sách của A Sáng. Cầm cuốn sách trong tay, lòng ngập tràn hạnh phúc!

Tác giả bài viết Hoai Tran và cuốn sách mua được tại Đinh Lễ

Vừa trải qua một trận ốm và những trải nghiệm kinh hoàng về sức khoẻ, tôi đọc sách của anh một cách từ tốn chứ không đọc nghiến ngấu như tôi vẫn thường đọc với các cuốn sách tôi mong chờ. Và thật không phụ lòng mong đợi của tôi, cuốn sách của A Sáng thật đáng giá. Nó như liều thuốc tinh thần có khả năng chữa lành những vết thương tâm hồn và khơi gợi những năng lượng tốt lành, thánh thiện, ẩn khuất thẳm sâu trong mỗi chúng ta.

Không nhiều thủ pháp nghệ thuật được sử dụng trong văn của A Sáng, chủ yếu anh viết theo lối kể chuyện. Sự mộc mạc, chân thành, nguyên sơ của núi rừng hoà với sự minh triết được trau dồi, hun đúc qua trải nghiệm, chất phiêu của người nghệ sĩ tan hoà trong nhau đem đến cho độc giả những câu chuyện vừa cảm động rơi nước mắt vừa dí dỏm, chân thực, hài hước. Tôi đọc các trang viết của A Sáng mà ngồi cười khanh khách một mình và có lúc thấy mặt mình đẫm nước!

A Sáng viết về tuổi thơ của mình, về những người ruột thịt, về hành trình “xuống núi” của anh. Anh viết về nghề nghiệp, về những trải nghiệm sống, về những người tuy không máu mủ ruột thịt nhưng ảnh hưởng lớn đến nhân cách, lối tư duy, cách nghĩ, cách sống của anh và góp phần tạo nên một A Sáng của ngày hôm nay.

Những trang viết của anh không phải không có những nỗi bần hàn cơ cực và những thống khổ về tinh thần của một người vốn sinh ra, lớn lên ở vùng rừng núi xa xôi, trong bối cảnh cuộc chiến tranh Biên giới thảm khốc và thời bao cấp khốn khổ. Tuy nhiên, đọc về nỗi khổ mà người đọc không thấy u uẩn, bi thương, rầu rĩ. Những nỗi thống khổ và bất công trong từng trang viết của A Sáng như nguồn sức mạnh để anh phải bứt ra khỏi nó, vượt lên nó để sống một cuộc sống mới long lanh, rạng rỡ! Tôi thích cách tiếp cận và ứng xử này, bởi số phận mỗi chúng ta một phần quan trọng do chính chúng ta quyết định!

Một điều tôi nhận ra rất rõ trong cuốn sách của A Sáng là thủ pháp so sánh anh đã sử dụng một cách điêu luyện và thành công một cách tuyệt vời. Anh đặt món ngon Cao Bằng quê anh trong các không gian, thời gian gắn với những con người khác nhau làm cho ẩm thực không chỉ đơn thuần là nghệ thuật nấu nướng và ăn uống nữa mà thấm đẫm tình người, tình cha con, tình bạn bè, chiến hữu. Món ăn của ký ức, lòng lợn xào gừng, của con gái Anh Sa nấu cho “bố hâm” A Sáng làm bao người đọc như tôi lặng đi, thổn thức.

Ở 2 đầu nỗi nhớ, nhớ Cao Bằng nơi chôn rau cắt rốn, nơi Mẹ già của A Sáng đang ở đó và nhớ Hà Nội, nơi đã giúp anh phát hiện ra con người mình và toả sáng đã được A Sáng thể hiện thật xuất sắc ngay trong tản văn đầu tiên: “Hướng tới các vì sao”. Sự chông chênh giữa 2 đầu nỗi nhớ đã được hoạ sĩ Tày xử lý theo một cách không thể tuyệt hơn bằng sự minh triết và thấu hiểu những quy luật tất yếu của cuộc sống. Thú vị vô cùng khi nhìn cách xử lý mối quan hệ giữa tình cảm và lý trí của tác giả qua tản văn này.

Hay cách anh viết về người Hà Nội, các nhà Hà Nội học cũng không thể tranh cãi với người Tày A Sáng rằng người Hà Nội anh viết có chuẩn là Hà Nội không? Anh viết về nhiếp ảnh gia Hữu Bảo, phu quân của nghệ sĩ Như Quỳnh. Anh kể chuyện và anh khái quát theo cách của anh. Người đọc nhận ra chân dung “người Hà Nội” trong cách nhìn, cách cảm của A Sáng và dù có cách nhìn khác về người Hà Nội thì vẫn gật gù tán thưởng và không thể phủ nhận tư duy và cách nhìn của A Sáng!

Tôi đã lên Việt Phủ Thành Chương đôi lần và thầm cảm phục, ngưỡng mộ ông. Tuy nhiên khi gặp lại hoạ sĩ Thành Chương qua tác phẩm của A Sáng, những dòng nước mắt mặn ấm cứ tự nhiên lăn dài trên má. Một hoạ sĩ tên tuổi và nổi tiếng như Thành Chương đã âm thầm “làm lại” cuốn sách cho cậu học trò người Tày bé nhỏ để kịp cho triển lãm của A Sáng. Đọc mà vui mà hạnh phúc vì những hành động nhỏ bé làm nên một nhân cách lớn.

Còn quá nhiều điều để chia sẻ về cuốn sách tuyệt vời của A Sáng. Bao trùm lên tất cả là CHẤT, mà theo ngôn ngữ và cách hiểu của tôi, tôi gọi là THIỀN ĐỘNG! An trú trong hiện tại, đắm mình vào từng phút giây hiện tại. Không ân hận về quá khứ, không lo lắng tương lai, hãy tận tâm trong từng phút giây hiện tại, điều kỳ diệu sẽ đến. Thiền ở đây không khuôn lại ở trạng thái ngồi kiết già, chú tâm vào hơi thở và đối thoại với bản thân mình mà là THIỀN TRONG HÀNH ĐỘNG. Toát lên rạng rỡ qua từng trang viết của A Sáng là tinh thần đó. Tôi nhìn thấy rất rõ và chia sẻ sâu sắc cùng hoạ sĩ Tày tinh thần và triết lý sống này!

Biết ơn hoạ sĩ Tày vì những bức tranh và những con chữ của anh. Anh tạo ra cho bản thân mình và người xem tranh, người đọc sách của anh cũng “thơm lây” từ những bức tranh và câu chữ ngát hương. Hương thơm của lòng trắc ẩn, của tình yêu và sự minh triết!

Cám ơn đời vì những tác phẩm chạm đến trái tim người thưởng thức!

FB: Hoai Tran