TPO – Bên cạnh nghề cầm cọ, Hoàng A Sáng còn làm báo, viết văn. Đừng tưởng “ôm” nhiều nghề mà gã lớt phớt. Đi qua mảnh đất nào A Sáng cũng để lại dấu ấn chẳng lẫn với ai. Nghệ sỹ người Tày vừa trình làng cuốn sách thứ 5 với cái tên gợi Thiền: “An trú trong yêu thương”.
“An trú trong yêu thương” đã là cuốn sách thứ 5 trên hành trình viết của anh. Có vẻ nghề văn cũng duyên nợ với anh không kém hội họa?
Hoàng A Sáng: Gọi là hành trình viết thì nghe có vẻ to tát quá. Tôi viết đơn giản, từ tốn, tự nhiên. Có cảm hứng thì viết, nếu không thì bỏ lửng, rồi một thời gian lại viết tiếp. Cứ như vậy nhiều năm, nó trở thành một thói quen viết lách, như một nhu cầu từ nội tâm. Tôi viết không có mục tiêu nào cụ thể, cũng không có áp lực gì… Cũng có thời gian dài tôi định bỏ viết lách, tôi nghĩ mình không giỏi về việc này. Nhưng không hiểu sao vẫn có “tiếng gọi” nào đó âm ỉ, dai dẳng từ bên trong khiến cho ý định bỏ hẳn viết lách không thực hiện được. Thế là tôi lại viết và cho xuất bản cuốn sách này.
Vì sao anh chọn cái tên gợi Thiền “An trú trong yêu thương”, mà không phải cái tên nào câu khách hơn?
Hoàng A Sáng: Như tôi đã nói, tôi viết không có mục tiêu nào cụ thể. Tôi không có ý định “kinh doanh” khi viết sách. Nói cách khác, thu nhập của tôi không phụ thuộc vào việc viết văn. Tôi viết cuốn sách này như một tự truyện để tri ân cuộc đời. Tôi cũng muốn tổng kết hành trình 20 năm xuống núi của mình . Tôi viết về những con người đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của tôi như mẹ tôi, bác gái tôi, chị cả tôi… rồi những nghệ sỹ như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, họa sỹ Thành Chương… Viết về họ cũng là lúc nghĩ về mình, là một cách tự bạch. Rồi tôi viết về Hà Nội, theo cách riêng. Từ những chiêm nghiệm của bản thân sau thời gian rất dài lăn lộn với thủ đô.
Anh gửi gắm gì qua cuốn sách này?
Hoàng A Sáng: Tôi viết về Thiền như một sự chia sẻ trải nghiệm của bản thân với mọi người. Tôi muốn tiếp cận cuộc sống theo hướng tích cực, chỉ kể nhiều về những điều tốt đẹp, để sau khi đọc xong cuốn sách, bạn đọc được thở trong không khí an lành, nhẹ nhõm. Bản thân tôi đã trải qua nhiều nhọc nhằn, mệt mỏi, thậm chí cả đắng cay… Tôi thấy không nên khoét sâu vào những mảng đen tối ấy. Nó đã đi qua và trở thành ký ức như một “phai” máy tính, nó vẫn ở đó nhưng Thiền đã giúp tôi biến ký ức buồn trở thành sự kiện đơn thuần. Chính tôi đã làm báo mà bạn bè vẫn gọi là “lá cải” nhiều năm. Tôi thừa kinh nghiệm để đặt một tên sách giật gân. Nhưng tôi đã không làm như vậy. Tôi đã tự dọn dẹp tâm hồn mình để Thiền đi vào nội tâm. Chính vì vậy, tôi nhận ra nhiều điều tốt đẹp của đời sống, sự tích cực trong cách nghĩ sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn của đời sống hơn là những thứ tiêu cực.
Anh và người thân của anh giống như những sứ giả của văn hóa Tày. Anh thực sự lo lắng điều gì về văn hóa của dân tộc mình trong nhịp sống sôi động và xô bồ hôm nay?
Hoàng A Sáng: Trước đây, tôi cũng nghĩ nhiều về vấn đề này. Tôi từng viết một cuốn tiểu thuyết chỉ để nói về sự suy đồi của văn hóa bản địa, cụ thể là văn hóa người Tày. Nhưng sau nhiều năm trải nghiệm, nhìn lại mọi thứ, quan sát đa chiều và lắng nghe thật tĩnh tâm, tôi không nghĩ rằng, nhịp sống xô bồ hiện tại sẽ đánh mất hoặc phủ lấp văn hóa Tày. Có thể trang phục, ẩm thực, câu then, điệu lượn… không còn trọn vẹn như xưa. Nhưng nếu chỉ nhìn như vậy ai cũng có cảm giác văn hóa bản địa đang bị cùn mòn… Nhưng theo tôi, những gì tốt đẹp nhất thuộc về người Tày vẫn vậy: Sự thật thà, chất phác, hiền lành, hiếu khách, bền bỉ, kiên nhẫn, yêu thiên nhiên… đều nằm sâu trong tâm hồn. Tôi từng sang Đức, gặp cộng đồng người Tày- họ đã sinh sống và làm việc tại đất nước này hơn 30 năm nhưng khi gặp nhau chúng tôi vẫn nói trọn vẹn tiếng Tày, ngồi uống rượu, đốt lửa ca hát như đang ở giữa cánh đồng quê nhà.
Văn chương và hội họa của anh, tôi thấy khá ăn nhập, đều gợi vẻ trong sáng, hướng thiện. Điều này là chủ ý hay tự nhiên?
Hoàng A Sáng: Đó là điều tự nhiên. Con người mình thế nào thì nghệ thuật của mình như vậy. Tôi có ngoại hình sù sì, đen đúa vì tuổi thơ chăn bò, phải lăn lộn ở thành phố để kiếm sống. Ai gặp tôi cũng nghĩ ngay đến một gã người Tày ghê gớm, quyết liệt, thậm chí cục súc… Tôi lại thích bông đùa, ưa hài hước, hay tếu táo… Thế nên khi xem tranh của tôi không ít người bị bất ngờ, bởi sự trái ngược giữa hình thức của con người và nghệ thuật. Thực ra, sâu thẳm bên trong tôi vẫn vẹn nguyên sự êm ả, hiền lành như dòng suối của bản Pác Thay, nơi tôi sinh ra.
Làm văn, làm báo, cầm cọ, đâu là nghề nuôi sống anh?
Hoàng A Sáng: Cả hai đang nuôi sống tôi. Ngoài hai nghề đó tôi thật sự không biết làm gì. Có thời kỳ tôi chỉ viết báo để kiếm sống- đó là thời gian rất dài vì khi ấy tôi chưa tìm được hội họa của mình. Rồi có thời gian tôi tổ chức các tờ báo thị trường, tôi kiếm được khá tiền với nghề đó, nhưng tôi vẫn vẽ hằng đêm. Để đến một ngày tôi vẽ được những bức tranh đầu tiên đúng với con người mình, rồi tôi bán được tranh…
Anh rất tích cực với những hoạt động thiện nguyện hướng tới trẻ em vùng cao. Anh có sợ bị mang tiếng dùng hoạt động để tạo hình ảnh không?
Hoàng A Sáng: Nếu sợ tôi đã không làm. Những hoạt động từ thiện đó tôi đã làm 5 năm nay. Nói về cách tạo hình ảnh của cá nhân thì tôi không chọn hình thức thiện nguyện này. Hiện tại tôi đang là Giám đốc Truyền thông của một công ty chuyên về truyền thông lâu năm ở Hà Nội. Tôi có đủ kiến thức, quan hệ và cả chiêu trò để tạo hình ảnh cá nhân, nếu muốn. Tôi chọn quê hương để làm thiện nguyện vì tôi thấy mình cần làm như vậy. Trẻ em vùng cao là hình ảnh của tôi thời thơ ấu.
Trên trang cá nhân, có thể thấy anh là một ông bố Tày “nhây” cỡ… nhất nước. Sao anh không làm Vlog chuyên đề tài gia đình, khéo hái ra tiền?
Hoàng A Sáng: Tôi không nghĩ việc làm Vlog để kiếm tiền đơn giản như ta vẫn thấy. Tôi làm truyền thông nhiều năm nên biết, không dễ dàng tạo ra vlog có triệu “viu”. Hơn nữa, tôi cũng không có ý định đó. Trên trang cá nhân, tôi chỉ tạo ra một không khí vui vẻ cho gia đình và bạn bè, đặc biệt là hai cô con gái. Như đã nói, tôi ưa sự hài hước, thích những giây phút vui vẻ, nên hay nghĩ ra những chiêu trò “nhây” như bạn nói. Tại sao mình không tự tạo ra những giây phút vui vẻ cho chính mình và những người xung quanh? Niềm vui là siêu tài sản chúng ta nên gìn giữ mọi lúc, mọi nơi!
ĐÀO NGUYÊN
Xem bài gốc tại đây!