Khi người Tày vẽ tranh

 Gai góc, xù xì – đó là đặc tính của những viên đá sống sót qua những trận nham thạch phun trào của núi lửa. Đó cũng là đặc tính của Hoàng A Sáng – họa sĩ người Tày mang miền ký ức từ bản Pác Thay vào tranh.

Bản Pác Thay nằm ở khúc ôm của con sông Quây Sơn, nối với mạch nguồn của thác Bản Giốc – điểm phân chia cương vực đẹp như ở xứ thần tiên.

Khi người Tày vẽ tranh
Họa sĩ Hoàng A Sáng

43 năm trước, bản Pác Thay có thêm một cậu bé mang tên Hoàng A Sáng. Khi cậu bé ấy lớn lên, rời làng.., tới lượt Hoàng A Sáng mang Pác Thay về phố, trong những cơn ngủ mê, ú ớ; rồi sau này lớn lên, viết và vẽ, cậu bé ấy mang làng đi khắp thế gian, qua những bức tranh của Miền A Sáng.

Bản Pác Thay bình yên, êm đềm, thơ mộng, lãng mạn, với màu xanh canh hến đặc trưng của dòng sông biên viễn bắt mạch với đá vôi mà có; những dãy tre, dãy vầu kết thành khóm thành bụi lừng lững đứng canh sông, che chở cho một chiếc cọn nước bền bỉ, nhẫn nại vốc nước tưới tiêu làm trù phú những ruộng đồng; những trâu bò kéo đàn đen kịt như vảy một vốc đỗ ném ra xa, lốc cốc tiếng mõ treo ở cổ…

Khi người Tày vẽ tranh
Tác phẩm: Mùa thu của núi. (Sơn dầu)

Pác Thay, những ngôi nhà đá hộc. Những tường rào đá hộc quây xung quanh nhà. Những tường rào đá hộc quây xung quanh thửa ruộng. Không phải như dưới xuôi, một ngày, một lần là xong bờ tường đá ấy. Mỗi ngày, mỗi lần, đi đường thấy một viên đá mồ côi/cuốc ruộng, lặn sông… thấy một viên đá mồ côi, nhặt mang về, chồng lên, xếp thành hàng… Nhiều ngày, nhiều tháng. Nhiều người, nhiều lớp, nhiều thế hệ. Bờ rào đá ấy mới thành.

Sự kiên nhẫn đến kỷ cương, nề nếp ấy, là một đặc tính của người Tày Trùng Khánh.

Pác Thay, quê hương của những người phụ nữ Tày khỏe mạnh, săn chắc, khi đến Mùa hoa/ Người đàn bà/ Mặt đỏ phừng/ Ðủ sức vác ông chồng/ Chạy phăm phăm lên núi/ Mùa hoa/ Người đàn ông/ Mệt như chiếc áo rũ/ Vừa vịn rào đi vừa ngái ngủ…

Pác Thay của những mùa hạt dẻ, đêm đêm quả chín rời cành, thả vào không gian tĩnh lặng tiếng ngã mình lộp độp trên mái nhà khuya, như tiếng một con trắm đen quẫy đuôi trong đêm trăng rất tĩnh, hoặc một cú bổ người sắc lẹm xuống dòng Quây Sơn của cậu bé sau một ngày thả trâu mệt nhọc…

Tất cả, đều được Hoàng A Sáng mang vào tranh, để đưa Pác Thay theo mình về phố, để giữ Pác Thay trong huyết quản của những người Tày rời làng như vợ chồng anh, và, để có một Pác Thay trong những đứa trẻ không sinh ra ở Pác Thay, nhưng tự thân có Pác Thay trong huyết quản…

Khi người Tày vẽ tranh
Phật xanh!
Khi người Tày vẽ tranh

Tình yêu quê hương đến nặng lòng của Hoàng A Sáng nhiều lúc đến mức cực đoan, trăn trở; đã một thời không giấu giếm trong câu chữ mỗi khi anh viết về quê, với một chút tự ti khi nhắc tới phạm trù dân tộc.

Tình yêu quê hương ấy, khi vào tranh, nó tĩnh lặng, dịu lại, như một người lặn sâu dưới dòng nước Quây Sơn, mắt mở to, nhìn tất cả sự vật bên trên qua sự khúc xạ của mặt sông, lúc phẳng lặng, lúc có những đợt sóng…

Có một sự thừa hưởng, kế thừa giữa các thế hệ văn nghệ sĩ người Tày, khi họ sáng tác về quê hương mình. Ý thức nghệ thuật của họ luôn khác nhau, theo cá tính riêng của họ. Họ cũng không bao giờ nhắc nhau, dặn nhau, phải giữ chuẩn mực về một lề lối… Nhưng, mục đích cao nhất của họ, đó là không bao giờ xa rời mạch nguồn, quê hương, không bao giờ được quên tổ tiên, xứ sở…

Như lời Y Phương – nhà thơ người Tày, đất Trùng Khánh viết: Người đồng mình thương lắm con ơi /Cao đo nỗi buồn /Xa nuôi chí lớn/Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn/ Sống trên đá không chê đá gập ghềnh/ Sống trong thung không chê thung nghèo đói/ Sống như sông như suối/Lên thác xuống ghềnh/ Không lo cực nhọc/ Người đồng mình thô sơ da thịt/ Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con /Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương/Còn quê hương thì làm phong tục /Con ơi tuy thô sơ da thịt /Lên đường/ Không bao giờ nhỏ bé được /Nghe con… 

Khi người Tày vẽ tranh
Khi người Tày vẽ tranh
Khi người Tày vẽ tranh
Khi người Tày vẽ tranh
Khi người Tày vẽ tranh
Tác phẩm: Cây trong ký ức
Hoàng A Sáng sinh năm 1976 tại Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Anh tốt nghiệp trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, đang làm báo và vẽ.

Ngày 28/10/2016, Hoàng A Sáng có triển lãm tranh cá nhân đầu tiên, mang tên Miền A Sáng. Triển lãm “Miền A Sáng 2” được anh khai mạc vào ngày 1 – 5/10/2019 tại 29 Hàng Bài, Hà Nội. Miền A Sáng 2 với những tác phẩm mang đậm hơi hướng của Thiền – một phương thức “chạm vào hạnh phúc” của riêng Hoàng A Sáng.

Di Linh

Link gốc: https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/di-san-my-thuat-san-khau/khi-nguoi-tay-ve-tranh-572801.html