Ba năm vẽ những giấc mơ

(Thời Nay 1011 23-9-2019)

Quang Hưng

Những “vệt sen”, mặt người hồn hậu, đường xa rong ruổi, cây lớn, “khung trời mầu”…, họa sĩ chuẩn bị mời công chúng bước vào không gian giấc mơ đã miệt mài tạo dựng, kể từ sau triển lãm cá nhân lần thứ nhất.

1. Họa sĩ Hoàng A Sáng theo thời gian ngày càng vẽ như một nhu cầu. Cả căn hộ ở Hà Đông lâu nay anh đã dành làm xưởng, nguyên vật liệu tràn ngập. Vợ con “di cư” sang gần đấy để họa sĩ yên tĩnh sáng tác. Khi đối diện toan, mầu là A Sáng được sống hạnh phúc. Nói thế không có nghĩa trong đời thường, gia đình và công việc kém màu tươi. Chính đó lại là “nguyên liệu hạnh phúc” cho những bức tranh mới ra đời như một cuộc tái tạo thành quả đời thực. Cả nhà làm việc, học tập tốt. Tờ báo mà nhà báo A Sáng tham gia phụ trách in đều, bán được. Ý tưởng mới khá dồi dào trong nhịp sinh hoạt của nhóm văn nghệ sĩ Hà Đông mà A Sáng là thành viên. Việc quê, việc họ ổn thỏa. Có lần A Sáng vui khoe, con gái lớn đã biết viết kế hoạch chi tiêu, triển khai dự án hỗ trợ ngôi trường ngày xưa bố học ở quê Cao Bằng. Lần khác, A Sáng phác kế hoạch sản xuất clip ngắn bán lên mạng…

2. Góp màu từ thực tế đó, nên tranh gia đình của A Sáng bình yên, yêu thương, trong sáng, mang một niềm an tâm. Không gian tranh như mơ, những “thiên thần nhỏ” trong “giấc mơ bay”, được chở che, nâng đỡ; những nhóm đôi, ba, bốn sum vầy giữa vùng ánh sáng vàng, xanh dịu dàng, khuôn mặt thiện lành; cả khi một mình ai đó, cũng đang mê đắm trong cuộc “mộng du” với đàn, với hát ca, mời gọi và đón nhận, với đôi cánh, với chim nhỏ, trăng và hào quang; những búp, cánh, thân, lá sen mộc mạc là những vệt, mảng màu ấm, nền nã, điểm hòa cùng người mang dáng dấp nhà tu hành. Nhìn xem những mảng, vệt mầu ấy, thấy phối cảnh hòa đồng của người – sen – đêm trong trẻo.

3. Nhưng không thể khi nào cũng đủ đầy, viên mãn. Tâm hồn nghệ sĩ không khỏi có lúc cô đơn. Hình như, vẫn một phần bởi gốc gác và bối cảnh, mở vào thực tại và tương lai vẫn có những quãng độc hành bền bỉ của con người A Sáng từ núi xuống, vừa bước những bước đồng bằng, chen trong đô thị, vừa giữ ngôn ngữ, quan niệm và tập quán còn lại của dân tộc Tày mình, làng quê Pác Thay miền Trùng Khánh của mình. Để rồi lấy chính đó làm chỗ dựa, làm cái “lõi” con người, phong cách sống của mình. Những tranh vẽ đường dài, đường xa của A Sáng, thấy nhỏ nhoi, cắm cúi con người, một bóng, đôi bóng nhỏ giữa thăm thẳm núi đồi và trời đêm vần vụ, có những “lần” có ngựa cùng đi mải miết. Có lúc không người, chỉ đường xa và cây lớn đứng một mình giữa đất trời đang mở ra trước mắt. Những không gian cũng có gì đó không thực, đôi lúc sự tương phản khung cảnh và bóng người nhỏ nhoi càng gây thêm vẻ rợn ngợp. Nhưng người vẫn đi tới, trên những con đường lên dốc, lên đồi, hướng về phía núi, phản chiếu chính tâm hồn tác giả, dù ở đâu cũng vọng về núi cao.

4. Và đó cũng là lẽ tất yếu, khi họa sĩ, nhà văn, nhà báo như A Sáng đã phải và đã rất nỗ lực tìm đường đi của mình trên các hoạt động nghề nghiệp. Từ triển lãm “Miền A Sáng 1” ba năm trước – 2016, đến nay, đang chuẩn bị cho “Miền A Sáng 2”, A Sáng đã nghiền ngẫm, suy tư, đặt câu hỏi với bản thân và thao tác rất nhiều để “tránh” những lối đi của các văn nghệ sĩ mà mình ngưỡng mộ: Thành Chương, Nguyễn Quang Thiều, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong… Nhiều người đã yêu mến, đã đón tranh A Sáng về nhà như nhận ra từ đó một góc bình tâm, và nhìn ngắm để chia niềm hạnh phúc, chia một cảm giác của cuộc hành trình chưa thể dừng lại.

  • Triển lãm “Miền A Sáng 2” sẽ khai mạc chiều ngày 1-10 và mở cửa đến 5-10 tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài (Hà Nội). Triển lãm giới thiệu 30 bức sơn dầu sáng tác thời gian qua của họa sĩ A Sáng, là lời tri ân bạn bè văn nghệ sĩ và người yêu tranh đã đồng hành với anh hơn ba năm qua, một chặng đường đem lại nhiều thay đổi từ sau khi A Sáng tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nhạc Họa trung ương nhiều năm trước.