Hoàng A Sáng là người con của dân tộc Tày (Trùng Khánh – Cao Bằng), vốn được đào tạo trong ngành hội họa và đã có hành trình không ngưng nghỉ đi tìm kiếm chính mình trong hội họa suốt hơn 15 năm qua.
– Thưa họa sĩ Hoàng A Sáng, anh có thể cắt nghĩa giúp vì sao sen lại là hình tượng trở đi trở lại trong các sáng tác của anh?
+ Đối với hội hoạ, đề tài, sự vật, nhân vật chỉ là cái cớ để họa sĩ thể hiện. Vì ngôn ngữ của hội hoạ là đường nét, mảng khối, đậm nhạt, màu sắc… Trong tự nhiên, lá sen có một tạo hình đặc biệt: Một “mảng” rất dễ đẹp để đưa vào tranh mà họa sĩ không cần phải sáng tạo nhiều. Những mảng này giải quyết rất tốt về mặt bố cục trong một bức tranh.
Về cơ bản, lá sen, bông hoa sen, đài sen, thậm chí là cái cuống hoa sen đã được tự nhiên gọt giũa, đã có tính tạo hình hoàn hảo, tưởng như không thể nào sáng tạo thêm được gì nữa. Vì thế, sen đã xuất hiện trong tranh rất nhiều. Các hoạ sĩ đã khai thác triệt để hình tượng sen. Và tôi cũng thế. Tôi cũng say mê sen.
Thế nhưng, để có một kiểu sen cho riêng mình, tôi đã tìm tòi thể hiện những lá sen một cách khoẻ khoắn, đôi khi là gân guốc như bạn đã thấy trong tranh của tôi. Hơn nữa, tôi là người tâm linh, cố gắng tìm kiếm chất Thiền, sự tĩnh lặng trong tranh của mình. Và sen rất phù hợp với điều đó. Thế nên, tôi thường thể hiện một motif em bé với sen, ông sư với sen, cô gái với sen… theo cách riêng của tôi.
Họa sĩ Hoàng A Sáng (bên phải) chụp ảnh lưu niệm với khách mua tranh. |
– Có thể thấy rõ, tranh của anh diễn tả nhiều câu chuyện xung quanh những cô gái, những người phụ nữ. Việc làm bố của 2 cô con gái đáng yêu đã tác động thế nào đến việc lựa chọn và thể hiện đề tài trong tranh?
+ Hai cô con gái bé nhỏ của tôi là một cảm hứng trong nhiều tác phẩm. Tôi cũng như những ông bố khác, rất yêu con của mình, đặc biệt là con gái. Vì vậy, một cách tự nhiên, hai cô con gái đi vào tranh của mình cũng là điều dễ hiểu. Mình yêu cái gì một cách sâu sắc, toàn bộ, thì mình vẽ cái đó.
– 15 năm theo đuổi hội họa và đêm nào cũng vẽ, nhưng anh từng nói là cảm thấy bất lực trước những bức tranh mình vẽ ra, thậm chí là muốn hủy nó đi. Nhưng có khi nào anh định từ bỏ giấc mơ hội họa của mình không? Từ lúc nào anh bắt đầu cảm thấy tìm được chính mình, tìm được lối đi riêng cho mình trong hội họa để có được dấu ấn Hoàng A Sáng như hôm nay?
+ Đúng. Có những lúc tôi đã tưởng phải rời bỏ niềm đam mê hội hoạ của mình vì nhiều lẽ. Bạn biết đấy, tôi là một người từ núi xuống sống ở Thủ đô ồn ã này với bàn tay trắng và một khát vọng của riêng mình. Tôi phải đối mặt với sự nhọc nhằn mưu sinh. Nhiều lúc tôi cảm thấy kiệt sức, tuyệt vọng.
Và quan trọng hơn, tôi cứ vẽ mãi mà không tìm thấy chính mình. Nhiều lúc vẽ xong thấy bức tranh không phải là mình, tôi lại bỏ đi rồi lại vẽ tiếp, vẫn không thấy là mình, vẫn cảm giác giống một ai đó, bị ảnh hưởng bởi ai đó. Thế nên đôi khi tôi muốn từ bỏ vì thấy mình bất tài. Nhưng tôi đã kiên nhẫn và tự động viên chính mình.
Và may mắn hơn, tôi được hoạ sĩ Thành Chương, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhóm nhân sĩ Hà Đông và các bạn thân thiết khác luôn luôn giúp đỡ, động viên. Và trong sâu thẳm tôi vẫn tin là đến một ngày nào đó sẽ tìm được chính mình trong hội hoạ.
Khoảng hai năm gần đây, tôi bắt đầu dần dần nhận ra con người thật của mình trong hội hoạ. Những bức tranh của tôi bắt đầu có những mảng, miếng, đường nét, bố cục, màu sắc… của riêng tôi. Nghĩa là ngôn ngữ hội hoạ của tôi bắt đầu xuất hiện từ trong sâu thẳm con người tôi. Những bức tranh của tôi đã không lẫn vào bất cứ hoạ sĩ nào, đẹp hay xấu tôi không tự bình luận, nhưng không lẫn vào ai là điều quan trọng nhất. Vì vậy, lần này tôi đã quyết định mở triển lãm cho riêng mình với cái tên MIỀN A SÁNG.
– Cách đây dăm năm, anh đã cho ra mắt cuốn tiểu thuyết “Thân xác” như cách anh tìm về chính mình, với bản Pác Thay – Trùng Khánh – Cao Bằng của anh. Khi đó anh tìm đến văn học có phải như cách giải tỏa chính mình khi đang bế tắc trong hội họa hay không?
+ Tôi được đào tạo cơ bản về hội hoạ, nghĩa là chuyên môn của tôi là Hội hoạ. Ban đầu, tôi tham gia làm báo với tư cách là một hoạ sĩ. Nhưng, như một duyên lành, như một ân huệ, tôi đã viết báo, tổ chức thực hiện những tờ báo và trở thành một nhà báo chuyên nghiệp trong suốt gần 20 năm qua.
Cho đến hiện tại, tôi vẫn đang làm báo. Gia đình tôi sống bằng nghề báo và dành phần lớn thời gian cho công việc này. Thế rồi, tôi bắt đầu viết văn và đã ra đời cuốn tiểu thuyết “Thân xác” và một số cuốn sách khác. Không phải để giải toả bế tắc hay trốn chạy hội hoạ. Mà với tôi, viết văn, làm báo có một sự bổ trợ tuyệt vời trong hội hoạ.
Tôi thấy không có gì mâu thuẫn. Tôi cũng không phải khoe mình đa tài. Tôi chỉ làm việc đó một cách tự nhiên. Tất nhiên đề tài trong cuốn sách đó vẫn là bản Pác Thay yêu dấu của tôi. Tôi cảm thấy không viết được gì hay hơn ngoài bản Pác Thay yêu dấu của mình.
– Người ta nói rằng, công việc của người làm báo phải đối mặt với nhiều áp lực và mặt tối của xã hội cộng với áp lực mưu sinh là cách nhanh nhất “đóng băng” cảm xúc của người sáng tạo nghệ thuật. Điều này có đúng với anh không?
+ Không đúng. Nghề báo khiến tôi nhạy bén hơn, năng động hơn, tươi mới hơn, hoà nhập vào đời sống đô thị một cách nhanh chóng hơn. Ai cũng phải mưu sinh, cũng phải hoà mình vào xã hội. Tôi cũng không ngoại lệ. Chính sự năng động đó lại là xúc tác cho cảm hứng trong sáng tạo nghệ thuật.
Một số bức tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng. |
– Trong tranh của anh, dường như con người như luôn đang kiếm tìm chốn nương náu cho tâm hồn mình trong tình yêu, trong thiên thiên, trong triết lý nhà Phật. Thế còn anh, anh thấy mình thực sự đang nương náu vào đâu?
+ Tôi nương náu vào tất cả những điều đó. Sau một ngày bận rộn với công việc báo chí, tôi trở về phòng vẽ của mình và bắt đầu “thiền” bằng cách vẽ tranh. Ngôn ngữ của hội hoạ rất đặc thù, gần như hoàn toàn cảm xúc, có thể tự do trôi về miền nào mình thích, lí trí gần như bị loại bỏ, tức là sự căng thẳng biến mất. Đôi khi chính mình bị đường nét và màu sắc cuốn đi, trở nên thư giãn tuyệt đối. Tôi tin rằng sự căng thẳng, mệt mỏi, cáu giận, thậm chí là hận thù đều xuất phát từ tâm trí bị xáo trộn. Vì thế, khi vẽ, tâm trí gần như được nghỉ ngơi.
– Ngày nào cũng sáng tác, cũng viết – vẽ đến khuya, anh lấy đâu ra năng lượng để có thể làm nhiều việc một lúc đến vậy? Có khi nào anh cảm thấy kiệt sức không? Anh thường làm gì để khiến mình cân bằng trở lại?
+ Tôi cũng như mọi người, đều có những khoảng thời gian nghỉ ngơi thư giãn, thăm thú bạn bè, đi du lịch… Đó cũng là khoảng thời gian để lấy lại năng lượng, cân bằng chính mình. Tôi nghĩ mình chả có gì đặc biệt. Nhưng như tôi đã nói ở trên, vẽ với tôi là Thiền. Nó là “đối trọng” với công việc báo chí ồn ã, bận rộn hàng ngày. Có lẽ vì thế mà tôi cân bằng được với chính tôi.
– Trong nỗi cô đơn thường trực của một người con của núi rừng lang bạt ở chốn thị thành, thấy anh luôn nương tựa vào quê hương. Bản Pác Thay có gì đặc biệt mà ảnh hưởng nhiều đến sáng tác của anh đến vậy?
+ Tôi không biết những người làm nghệ thuật có hay cô đơn không? Nhưng với tôi, dù sống và làm việc trong thành phố tôi vẫn luôn cảm thấy mình cô đơn, sợ hãi, tự ti… Đôi khi thấy mình ngớ ngẩn. Hình như những người thiểu số đều mang trong mình căn “bệnh” cố hữu này.
Tôi nghĩ, sáng tạo nghệ thuật dù dưới bất cứ hình thức nào cũng cần sự “trung thực” của sâu thẳm tâm hồn. Và một phần quan trọng của tâm hồn tôi vẫn đang “sống” ở bản Pác Thay yêu dấu đó. Bản Pác Thay của tôi không có gì đặc biệt, cũng đơn giản, mộc mạc, nghèo túng như bất cứ làng bản vùng cao nào. Cũng có cánh đồng, sườn núi, dòng sông và những con em người Tày chất phác, thật thà đến ngây thơ…
Chỉ có điều, hồn cốt của bản Pác Thay mỗi ngày cứ lớn dần lên trong trái tim tôi. Vì vậy tôi khó có thể viết, vẽ, hay sáng tạo cái gì đó mà có không có hình bóng của cố hương.
– Xin cảm ơn nhà báo, họa sĩ Hoàng A Sáng!
Nguyệt Hà (thực hiện)
Theo báo Văn nghệ Công an